Nỗi lo an toàn trường học

Thu Hương 29/11/2018 09:00

Vụ việc mảng vữa trần của lớp học được xây từ 40 năm trước rơi xuống khiến 3 học sinh lớp 1 ở Hải Phòng phải nhập viện cấp cứu, một lần nữa khiến dư luận không khỏi lo lắng về sự an toàn của học sinh và thầy cô tại trường học.

Nỗi lo an toàn trường học

Cả nước còn nhiều phòng học tranh tre, nứa lá.

Câu hỏi đặt ra là trên cả nước còn bao nhiêu phòng học xây được 40 năm, thậm chí là hơn thế nữa mà chỉ có vài lần sửa tạm thời? Cách nào để cải thiện tình trạng này trong thời gian sớm nhất để thầy trò yên tâm học tập?

Tỉ lệ phòng học kiên cố chiếm 74,4%

Thống kê của Bộ GDĐT, cả nước có khoảng 587.147 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 436.685 phòng, đạt tỉ lệ kiên cố là 74,4%. Tỉ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,92 (trong đó mầm non 0,95; tiểu học 0,92; THCS 0,90; THPT 0,92).

Nhu cầu đầu tư khoảng 150.452 phòng học để xóa phòng tranh tre nứa lá, bán kiên cố, tạm, nhờ, mượn, thuê (mầm non 54.700 phòng; tiểu học 71.289 phòng; THCS 21.700 phòng; THPT 2.763 phòng). Nhu cầu cần đầu tư thêm khoảng 8.046 phòng học cấp mầm non và 22.937 phòng học cấp tiểu học để bảo đảm học 2 buổi/ngày.

Một số địa phương có tỉ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học thấp dưới 30% là Tuyên Quang (mầm non 28,2%), Quảng Ngãi (tiểu học 24,5%), Kon Tum (mầm non 17,4%), Gia Lai (mầm non 27,7%), Bình Phước (mầm non 29,5%), Sóc Trăng (mầm non 18,2%), Cà Mau (20,5%)… Như vậy, có thể thấy còn rất nhiều địa phương trên cả nước có cơ sở vật chất, cụ thể là phòng học còn thiếu và chưa kiên cố. Thậm chí, theo thống kê, Hải Phòng - nơi vừa xảy ra sự việc mảng vữa trần của lớp học được xây từ 40 năm trước rơi xuống khiến 3 học sinh lớp 1 phải nhập viện cấp cứu có tỉ lệ phòng học kiên cố khá cao, lần lượt ở cấp mầm non là 91,8%, tiểu học 96,9%, THCS 96,4%, THPT 83,8%. Dù vậy, vẫn có những lớp học chưa đáp ứng nhu cầu học tập an toàn của trẻ.

Cụ thể, theo như phản ánh của nhiều phụ huynh, Trường Tiểu học Lý Học (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nơi vừa xảy ra sự việc trên có nhiều phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có lớp 1C. Phụ huynh đã có đơn đề nghị không học ở phòng học đó nhưng nhà trường không đáp ứng, dẫn đến vụ việc trên. Nhiều phòng học xuống cấp ở trường này đã bị đóng cửa không sử dụng.

Cùng với đó, tính đến tháng 8/2018, cả nước có 90.451 nhà vệ sinh học sinh các cấp tiểu học, THCS, THPT (tiểu học có 47.519 nhà vệ sinh; THCS có 30.689 nhà vệ sinh, THPT có 12.243 nhà vệ sinh). Tuy nhiên, nhà vệ sinh đang sử dụng tốt chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 67,3%; nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, nhà vệ sinh hầu hết chỉ được xây dựng tạm thời bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá và thiếu nguồn nước hoặc không có nước. Trong đó, tỉ lệ các trường có công trình nước sạch chỉ chiếm khoảng 85%.

Rà soát cơ sở vật chất

Nguyên nhân hiện còn tồn tại nhiều phòng học tranh tre nứa lá tại một số địa phương, đặc biệt là cấp học mầm non và tiểu học và ở các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi là do nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp. Một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc đầu tư cơ sở vật chất; các địa phương có điều kiện khó khăn, việc huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động khác còn hạn hẹp, hoặc một số địa phương chưa thật quan tâm dành nguồn vốn của địa phương, chủ yếu trông chờ vào ngân sách trung ương nên việc đầu tư không đáp ứng được so với nhu cầu.

Một số thành phố lớn đông dân cư bị quá tải ở một số nơi (các trường thiếu phòng học, trong khi đó không còn quỹ đất để xây thêm); một số địa phương thiên tai diễn ra phức tạp dẫn đến các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề…

Bên cạnh đó sự chậm trễ xử lý khi có báo cáo từ phía nhà trường của lãnh đạo các cấp. Như vụ việc sập sàn phòng học xảy ra ở Lâm Đồng cuối năm ngoái hay vụ việc tại Hà Nội hồi tháng 3 và ở Hải Phòng vừa qua đều đã được báo cáo lên lãnh đạo cấp trên nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Mặc dù Trường Tiểu học Lý Học trước đó đã đóng cửa 3 phòng học xuống cấp nhất, được xây dựng từ những năm 1978 và dồn lớp học vào các phòng chức năng, thậm chí cả hội trường, khu hiệu bộ cũng được dùng làm phòng dạy học nhưng các phòng khác cũng đã quá cũ, cần được tu sửa chỉnh trang lại. Đồng thời, chỉ đóng cửa các phòng học xuống cấp này là không đủ bởi vẫn trong một khuôn viên trường, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.

Một trong những giải pháp Bộ GDĐT đưa ra là toàn ngành thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Khó khăn nhất là vấn đề kinh phí, Bộ GDĐT đề xuất bên cạnh việc huy động nguồn lực Trung ương, địa phương để phân bổ kinh phí hợp lý; cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để khắc phục tình trạng trường, lớp học chưa được kiên cố hóa ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học; mở rộng quy mô lớp học để giảm sĩ số học sinh ở khu vực thành thị.

Bộ GDĐT đã ban hành các quy định về chuẩn, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các trường mầm non và phổ thông và các văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện.

Đối với giáo dục, nhiệm vụ nào cũng quan trọng nhưng nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo an toàn cho trẻ. Bởi chỉ khi trẻ được an toàn thì mới có thể yên tâm học tập, rèn luyện… Nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai, yêu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất trường lớp phải đảm bảo để thực hiện đổi mới có hiệu quả.

Thu Hương