'Chảo lửa' Chi Lăng và bài học nghìn tỷ
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có Công văn (số 9227/UBND-STM) gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án sử dụng 1.251 tỷ đồng, thỏa thuận với các bên được thi hành án (là các ngân hàng) “chuộc” lại sân vận động Chi Lăng. Sự việc đang gây sự chú ý của dư luận, không chỉ ở Đà Nẵng.
Khán đài A sân vận động Chi Lăng, hoang phế, xuống cấp. Ảnh: Thanh Tùng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án sử dụng 1.251 tỷ đồng, thỏa thuận với các bên được thi hành án (là các ngân hàng) “chuộc” lại sân vận động Chi Lăng phục vụ lợi ích cộng đồng - đúng với công năng vốn có của nó. Việc UBND TP Đà Nẵng trước đây, bán “chảo lửa” Chi Lăng và bây giờ phải tìm cách “mua” lại, là bài học đắt giá không chỉ với Đà Nẵng.
Tắt lửa!
Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng nằm giữa 4 tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng là Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Chi Lăng. Người Đà Nẵng khó quên hình ảnh sân Chi Lăng hừng hực như chảo lửa mỗi khi ở đây diễn ra các trận tranh tài bóng đá. Chảo lửa thực sự tắt lửa kể từ khi UBND TP Đà Nẵng quyết định chuyển nhượng toàn bộ diện tích hơn 55.000 m2 (gồm 4 mặt tiền) cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh). Với chủ trương thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, năm 2010 UBND TP Đà nẵng thống nhất di dời chảo lửa bóng đá Chi Lăng đi nơi khác, dành đất cho Tập đoàn Thiên Thanh. Ngay khi nhận chuyển nhượng, nhà đầu tư đã tách thửa 55.000 m2 của sân Chi Lăng thành 14 lô đất đứng tên các công ty thành viên của tập đoàn này. Được giao diện tích đất rất lớn nhưng Thiên Thanh không triển khai đầu tư mà đem 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được TP Đà Nẵng cấp sau khi tách thửa, cầm cố tại các ngân hàng để vay vốn vào các năm 2013, 2014.
Từ đó đến nay, SVĐ Chi Lăng rơi vào quên lãng. Khối tài sản khổng lồ là thành quả, công sức đóng góp xây dựng của người dân Đà Nẵng từ thời còn bao cấp, trở nên vắng vẻ, hoang phế xuống cấp theo thời gian.
Đại án
Ngày 29/7/2014, ông Phạm Công Danh- nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số lãnh đạo VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Năm 2016 và 2017, Phạm Công Danh được đưa ra xét xử tại TAND các cấp. Bản án hình sự phúc thẩm (số 30/2017/HSPT), đã tuyên giữ nguyên toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm (số 332/2016/HSST) của TAND TP Hồ Chí Minh: Kê biên 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại VNCB để quản lý theo quy định về tài sản đảm bảo; giải tỏa 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao VNCB cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Láng Hạ (Hà Nội) để quản lý theo quy định về tài sản đảm bảo. Ngày 26/4/ 2018 Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hồ Chí Minh ủy thác cho Cục THADS TP Đà Nẵng, thi hành án đối với Bản án hình sự sơ thẩm (số 332/2016/HSST) của TAND TP Hồ Chí Minh và Bản án hình sự phúc thẩm (số 30/2017/HSPT) của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm), xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực SVĐ Chi Lăng. Tuy nhiên quá trình thực hiện thi hành án, Cục THADS Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phải xin ý kiến của cơ quan thẩm quyền cấp trên, trong đó có UBND TP Đà Nẵng.
Thừa nhận sai phạm trong quản lý nhà nước
Trong công văn (số 9227/UBND-STM) gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề xuất phương án sử dụng 1.251 tỷ đồng, thỏa thuận với các bên được thi hành án (là các ngân hàng 100% vốn nhà nước) “chuộc” lại SVĐ Chi Lăng. Lý do được ông Huỳnh Đức Thơ nêu ra trong công văn gửi Thủ tướng là việc thi hành bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đối với phần nghĩa vụ dân sự liên quan quyền sử dụng đất tại khu phức hợp SVĐ Chi Lăng gặp nhiều khó khăn. Một trong các nội dung được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề cập đến trong công văn gửi Thủ tướng, là: Qua rà soát, TP Đà Nẵng nhận thấy được những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, đất đai, xây dựng đối với dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng. Tuy nhiên đây là tài sản thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nên không thể thực hiện thu hồi để khắc phục những sai phạm đã xảy ra trước đây. Nếu quá trình thi hành án kéo dài sẽ gây lãng phí nguồn lực của thành phố, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, người được thi hành án và đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Theo Kết luận (số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012) của Thanh tra Chính phủ thì dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng được giảm 10% tiền sử dụng đất (tương đương số tiền 139 tỷ đồng) là trái pháp luật nên phải truy thu số tiền này vào ngân sách, nhưng hiện nay thành phố chưa thu hồi được. Trên cơ sở này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cùng bộ, ngành liên quan cho phép, tạo điều kiện cần thiết để giữ lại toàn bộ diện tích đất SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách thỏa thuận với các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan, chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng (sau khi giảm 10% là 139 tỷ đồng) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp.
SVĐ Chi Lăng (diện tích trên 55.000 m2) cùng với khu đất ở số 209 đường Trường Chinh của Đà Nẵng, hiện đang được Thi hành án TP Hồ Chí Minh ủy quyền cho Thi hành án TP Đà Nẵng thực hiện thi hành án. Tổng số tiền phải thi hành án của SVĐ Chi Lăng và khu đất 209 đường Trường Chinh là 3.000 tỷ đồng.
Theo Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng): Đà Nẵng muốn “mua” lại sân Chi Lăng thì phải xác định sân Chi Lăng đang thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức nào? Trong trường hợp được Cục Thi hành án và các ngân hàng ủng hộ, thì Đà Nẵng cũng phải đảm bảo nguồn tiền để “mua” lại sân Chi Lăng”. |