Cần quy hoạch lại mạng lưới bưu điện văn hóa xã
Ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện - văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2020.
Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã thực hiện được mục tiêu đặt ra: Với Chương trình 430, nguồn lực, tiềm năng hiện có của 2 ngành đã được phát huy để tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hóa của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Từng bước BĐVHX đã trở thành điểm cung cấp thông tin, văn hóa ở địa phương bằng việc tổ chức hoạt động phục vụ sách báo truyền thống và sách, báo điện tử; bảo đảm kết hợp hài hòa 2 mục tiêu đẩy mạnh kinh doanh có hiệu quả và thực hiện các mục tiêu chính trị, xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, tạo thêm điều kiện cho người dân thực hiện việc học suốt đời, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại hội nghị, bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết, trong tổng số 62 tỉnh/thành ký kết chương trình phối hợp công tác, có 57 tỉnh/thành đã thực hiện luân chuyển sách, báo giữa thư viện cấp tỉnh, huyện và điểm BĐVHX; tần suất luân chuyển, tuỳ theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương, nhìn chung là 3 - 6 tháng/lần. Số lượng điểm BĐVHX tiếp nhận sách từ thư viện có tăng lên hàng năm nhưng không nhiều. Tới thời điểm hiện tại mới có 1.731 điểm BĐVHX có tham gia nhận sách từ thư viện trên tổng số hơn 8.000 điểm BĐVHX trên toàn quốc. Số lượng bản sách luân chuyển/lần chưa nhiều, nội dung sách còn nghèo nàn, cũ và thực sự chưa phù hợp, đáp ứng với nhu cầu đọc của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi và các sách thiết yếu khác...
Cũng tại buổi tổng kết, theo các đại biểu, thời gian tới, cần rà soát, đánh giá, quy hoạch lại mạng lưới điểm BĐVHX trong cả nước, trên cơ sở đó có kế hoạch ưu tiên đầu tư nâng cấp cho những điểm có khả năng triển khai các chương trình, đề án, dự án của Chính phủ, của các bộ, ngành đạt hiệu quả…