Ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng: Cần những giải pháp quyết liệt
Hàng giả, hàng kém chất lượng là vấn nạn tồn tại lâu nay. Đáng chú ý, hàng giả, hàng kém chất lượng đã và đang có xu hướng “dịch chuyển” về nông thôn, về vùng sâu vùng xa, nơi đời sống của bà con còn khó khăn. Làm gì để ngăn chặn? Câu hỏi vẫn còn chờ sự trả lời thỏa đáng.
Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường.
1. Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng thực sự là mối lo của toàn xã hội. Về phía doanh nghiệp làm ăn chân chính, đó là sự thua thiệt rất rõ ràng. Về phía người tiêu dùng thì là việc “mất tiền oan” khi mua phải loại hàng hóa này. Về phía nhà quản lý, hàng giả, hàng kém chất lượng làm nhiễu loạn thị trường, làm xấu thị trường, xóa bỏ mục tiêu phấn đấu cho sự văn minh thương mại- vấn đề cần rất nhiều thời gian cũng như sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn với hàng chất lượng, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng ảnh hưởng rất xấu đến nền sản xuất trong nước; tác hại trực tiếp tới thương hiệu hàng hóa của nước nhà.
Theo ông Nguyễn Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thì bất cứ sản phẩm nào trên thị trường cũng có thể bị làm giả. Hàng giả đang trở thành vấn nạn mặc cho các ban chỉ đạo tham gia đấu tranh, nhiều cơ quan quản lý triển khai ngăn chặn. Tại Hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam- Nguy cơ, thách thức và giải pháp”, do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức cách đây chưa lâu, nhận xét của cơ quan chức năng cho thấy trên thị trường hiện nay tràn lan hàng giả, bất kể sản phẩm nào cũng được làm giả rồi phân phối và tiêu thụ. Đa phần hàng hóa bị làm giả về chất lượng, bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý…Trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018, quản lý thị trường tiến hành kiểm tra phát hiện 34.733 vụ vi phạm. Cơ quan chức năng tiến hành xử phạm vi phạt hành chính trên 121,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ sản xuất trong nước mà còn thẩm lậu vào nước ta theo nhiều con đường. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, có nhiều vụ việc quy mô lớn liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa. Việc ngăn chặn rất khó khăn, đó là chưa kể đến việc lực lượng chức năng khó có thể phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật để xử phạt. Theo ông Đàm Thanh Thế- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hàng giả tung hoành có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, không chỉ sản xuất hàng giả trong nước mà còn tuồn cả hàng giả bên ngoài vào qua các cửa khẩu. Nguyên nhân khách quan là do quy định pháp luật chưa đồng bộ; một số đơn vị, địa phương chưa triển khai quyết liệt.
Tiến hành tiêu hủy hàng giả.
2. Để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh), câu chuyện chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không mới. Dù Việt Nam đã tham gia nhiều công ước về sở hữu trí tuệ nhưng ngay cả người thực thi cũng vẫn lúng túng về vấn đề này.
Theo đại diện Phòng Thực thi giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ, thì hàng giả đang phá hoại nền kinh tế. Hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu…Hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả. Để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, các cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi nhiều giải pháp ngăn chặn; trong đó việc phổ biến tuyên truyền cho người dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất về chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Cùng đó phải thường xuyên hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và phân biệt được giữa hàng thật và hàng giả thông qua đài, báo, các buổi triển lãm hàng thật, hàng giả. Vận động, triển khai việc ký cam kết không kinh doanh, tàng trữ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; bên cạnh việc tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho cán bộ thực thi.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thì tới nay quyền lợi người tiêu dùng vẫn rất mong manh, người tiêu dùng lúng túng trước thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng thật, giả khó lường. Không chỉ kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, mà phương thức kinh doanh hàng giả thời thương mại điện tử cũng khiến hàng giả thêm khó kiểm soát.
Cũng về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Thương mại Hà Nội) nhấn mạnh, chống hàng giả phải từ tư duy đến hành động. Có nghĩa là phải thay đổi ngay từ trong cách nghĩ của cơ quan quản lý, của các cơ quan chức năng, của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. “Nếu không thay đổi tư duy, chúng ta không thể chống được hàng giả”- theo ông Thịnh. Vẫn theo ông Thịnh, vấn đề rất quan trọng nữa là ý thức của cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Có 2 tình huống xảy ra với người tiêu dùng: Một là không biết hàng giả. Hai là mua hàng giả mà tưởng đó là hàng thật. Ngoài ra, không ít người tiêu dùng dù biết đó là hàng giả nhưng vẫn mua, sử dụng vì giá rẻ.
Tuy nhiên, một trong những lý do khiến hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại và tràn lan, theo ông Thịnh đó chính là do khâu phát hiện, xử lý chưa tốt. Những hành vi khi bị phát hiện thì 98,37% bị xử lý bằng biện pháp hành chính, chỉ có 1,63% bị xử lý thông qua tòa án.
Như đã nói, hàng giả, hàng kém chất lượng đang “dịch chuyển” rất mạnh từ thành thị về nông thôn, vùng sâu vùng xa- nơi nhiều bà con nghèo sinh sống. Điều đó là mối nguy không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài nếu không được nhìn nhận rõ ràng và có giải pháp ngăn chặn. Mà, theo nhiều chuyên gia, thì biện pháp ngăn chặn hàng đầu chính là sự xử lý nghiêm khắc của cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện cơ sở sản xuất hàng giả; đường dây kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đó chính là làm lành mạnh hóa nền sản xuất, kinh doanh trong nước; cũng như thiết thực bảo vệ người tiêu dùng- nhất là với người tiêu dùng thu nhập thấp.