Cùng Hà Nội, ngày… tháng… năm…
Giữa mùa liveshow bùng nổ, vở diễn “Hà Nội, ngày… tháng… năm… Những thanh xuân rực rỡ” có thể coi là món ăn lạ, khiến công chúng tò mò. Cho dù chưa hẳn là một vở nhạc kịch hoàn chỉnh, nhưng “Hà Nội, ngày… tháng… năm…” cho thấy sự tìm tòi với nhiều cố gắng khó phủ nhận, để mở ra những thanh xuân mới mẻ...
“Hà Nội, ngày… tháng… năm…” tái hiện Hà Nội từ những năm 1970 tới nay.
1. “Hà Nội, ngày… tháng… năm… Những thanh xuân rực rỡ” - tên vở diễn hơi dài, xuất phát từ ý tưởng về những lá thư thời chiến, do Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thực hiện, với sự bắt tay của bộ ba: NSƯT Tấn Minh (chỉ đạo nghệ thuật), NSƯT Trần Ly Ly (đạo diễn sân khấu) và nhạc sĩ Dương Cầm (giám đốc âm nhạc).
Chương trình có ý dựng theo kiểu nhạc kịch broadway, với tổng thể nhiều tiết mục trình diễn kết nối với nhau bằng một câu chuyện về Hà Nội.
Thông qua câu chuyện tình yêu của một đôi bạn trẻ, “Hà Nội, ngày… tháng… năm… Những thanh xuân rực rỡ” phác thảo một Hà Nội những năm 1970 thanh lịch, một Hà Nội đổ nát bởi chiến tranh, một Hà Nội mạnh mẽ đứng dậy, và một Hà Nội trẻ trung, phát triển mạnh mẽ của hôm nay. Điều đáng chú ý, ít nhất một nửa số ca khúc trong chương trình là những ca khúc mới sáng tác như: Khúc tráng ca Hà Nội, Cuộc đời tôi, Lá thư viết vội, Hà Nội, ngày… tháng… năm, Giấc mơ tôi…
Đây cũng là vở diễn mang về Huy chương Vàng cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018; cùng 2 Huy chương Vàng: Đạo diễn xuất sắc nhất cho Trần Ly Ly, Nhạc sĩ xuất sắc nhất cho Dương Cầm, 3 Huy chương Bạc dành cho các tiết mục.
Chuyện những vở diễn đạt Huy chương Vàng rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu”, “cất kho” và dần dần bị quên lãng là điều không lạ. Nhưng, với NSƯT Tấn Minh- người đang chèo lái “con tàu” Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, thì đang có ý thoát ra khỏi cảnh ngộ quen thuộc đó. Nghệ sĩ Tấn Minh quả quyết, “chúng tôi không dựng vở chỉ để… đi thi”.
Chính vì thế, sau khi vở diễn được “vàng”, NSƯT Tấn Minh cùng ê-kíp của mình đã tiếp tục bồi đắp thêm cho vở diễn, thêm những mảng miếng, chữa những điểm khuyết thiếu mà họ tự nhận ra, được góp ý. Và bằng khả năng của nhóm, “Hà Nội, ngày… tháng… năm…” đã ra mắt khán giả vào tối 28/11 vừa qua tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Điều đáng mừng trước tiên, đó là khán giả đến kín rạp, trong đó, nhiều người trong nghề cũng đến xem, vì sự tò mò, “để xem thế nào”. Điều này cũng có thể coi là một sự thành công nho nhỏ của ê-kíp thực hiện “Hà Nội… ngày… tháng… năm…”.
2. Trình diễn trước công chúng, “Hà Nội… ngày… tháng… năm…” đã có một vóc dáng mới hơn, thời lượng thay vì 60 phút như khi đi thi đã thành hơn 80 phút. Chính vì thế, các mảng miếng được thêm thắt một cách đáng kể. Trong đó, có thêm sự xuất hiện của cô “Bống” Hồng Nhung - ca sĩ khách mời duy nhất trong đêm diễn. Tuy vậy, Hồng Nhung thể hiện 2 ca khúc “Phố à phố ơi” và “Về với đông” đã không được tốt, vì lý do sức khỏe.
Với 3 phần, chương trình gợi cho khán giả những xúc cảm về một thời kỳ không thể quên của Hà Nội với đầy đủ khía cạnh: từ hào hoa, thanh lịch đến những đổ nát chiến tranh và cả cách người Hà Nội mạnh mẽ vượt qua đau thương mà đứng dậy. Những ca khúc về Hà Nội quen thuộc của các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Tiến, Phú Quang, Dương Thụ... được lồng ghép hài hòa, cùng với đó là những sáng tác mới của Dương Cầm, Duy Hùng, Vũ Cát Tường… đã giúp vở diễn mang tới nhiều cảm xúc cho người xem.
Trong vở diễn, đáng chú ý phải kể đến phần diễn acapella “Hà Nội, ngày… tháng… năm..”, tiết mục kịch hát “Lá thư viết vội”, ca khúc “Khúc tráng ca Hà Nội”, bản mash-up (hòa trộn) “Madley mùa cũ”...
Sợi chỉ xuyên suốt vở diễn là câu chuyện tình yêu của đôi trai gái Trâm và Hùng với rung động đầu đời, cho đến khi chàng trai bịn rịn chia tay để ra trận. Thời gian trôi qua, dù bị xa cách bởi hoàn cảnh nhưng đôi trai gái ấy vẫn nhớ về nhau, nhớ về những ký ức đã xa thông qua những lá thư viết vội.
Xem vở diễn, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy một Hà Nội thanh lịch, hào hoa; một Hà Nội hừng hực khí thế thanh niên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu; hay thời khắc Hà Nội bị rải bom B.52 với những đau thương, mất mát nhưng người Hà Nội vẫn kiên cường, mạnh mẽ đứng lên xây dựng lại Thủ đô.
3. Sẽ không quá lời khi cho rằng, ê-kíp thực hiện “Hà Nội, ngày… tháng… năm…” đã mang tới một bữa tiệc nghệ thuật thú vị với khán giả. Nó cũng cho thấy một sự “dám làm” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, đồng thời là cuộc “biểu dương lực lượng” - như cách nói của NSƯT Tấn Minh, nhằm giới thiệu đến công chúng những tài năng trẻ: NSƯT Khánh Hoà, ca sĩ Lô Thuỷ, Khánh Linh, Hiền Anh, Đông Hùng, Bảo Trâm…
Nhưng khắt khe một chút, có thể chỉ ra sự chưa thật hài lòng, không chỉ ở những chi tiết nho nhỏ, như tiết mục biểu diễn của Hồng Nhung không tốt, hay âm thanh, ánh sáng đôi khi chưa chuẩn… Điều quan trọng hơn, “Hà Nội, ngày… tháng… năm… Những thanh xuân rực rỡ” chưa thật sự là nhạc kịch. Phần ca trội hơn phần kịch. Nói cách khác, vở diễn mới chỉ là sự ghép nối các tiết mục ca hát để tạo thành một câu chuyện âm nhạc xuyên suốt, lớp lang. Dù ghi nhận sự nỗ lực của Dương Cầm khi anh đóng góp nửa số ca khúc trong vở diễn nhưng một số khán giả bày tỏ, nhiều ca khúc mới cũng chưa thực sự hấp dẫn.
Nhưng để sân khấu không có một lúc nào “chết” trong suốt thời gian gần 90 phút là một nỗ lực đáng ghi nhận. Và công chúng mong có thêm những vở diễn mới, tránh đi những lối cũ, mòn…