Làng lụa Vạn Phúc
Các mặt hàng được bày bán tại làng nghề Vạn Phúc đều được dệt từ tơ lụa tự nhiên, mềm mại, mịn, mát, óng ánh mà ít có tơ lụa ở đâu sánh được.
Khung dệt thủ công.
Chỉ cách trung tâm Hà Nội chỉ 10km nhưng làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét yên bình, cổ kính của một làng quê Bắc bộ như: cây đa cổ thụ, giếng đá ong, mái đình làng và những ban thờ Tổ,….
Lạc vào đường làng nhỏ sâu hút hút, du khách như được trở lại quá khứ, với những thăng trầm của một làng nghề chứa đựng lịch sử ngàn năm của Hà Nội. Sản phẩm tơ lụa của làng Vạn Phúc đã đi vào thơ ca, nhạc họa như một nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống Việt Nam. Các thư tịch cổ, một số tài liệu và di vật cổ còn lưu giữ cho thấy nghề dệt làng Vạn Phúc ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 9.
Trải qua thời gian, Vạn Phúc khẳng định danh tiếng, từng được chọn để may trang phục triều đình và đặc biệt các sản phẩm tơ lụa của làng được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn (1802 - 1945). Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại hội chợ Marseille (1931) và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo ở Đông Dương.
Còn nhớ, nhiều năm trước đây, lụa Vạn Phúc rơi vào cảnh đìu hiu, vắng bóng người tiêu dùng do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ hoặc các cửa hàng, cửa hiệu tại Vạn Phúc nhập hàng Trung Quốc về bán ảnh hưởng tới thương hiệu làng nghề. Không ít khách hàng đến Vạn Phúc mua nhầm lụa nơi khác, tạo tâm lý và những đánh giá chưa tích cực về làng nghề.
Gần đây, người dân Vạn Phúc đã ý thức được rằng không có gì bền vững bằng chính những yếu tố truyền thống, những giá trị gốc cần được bảo tồn và phát huy. Và du khách đến với Vạn Phúc để tìm tinh hoa của một làng nghề trên những tấm lụa bản địa, tìm hiểu nghề truyền thống, chứ không phải mua tấm lụa nhập từ nơi khác.
Đường làng Vạn Phúc.
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, Hà Đông cho biết: Để làm ra được những sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo như vậy, người thợ dệt phải thực hiện một quy trình sản xuất khá phức tạp bao gồm nhiều công đoạn như: tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi. Ngay từ việc khâu tơ, người thợ quấn sợi vào ống không chỉ đơn thuần mà còn phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo các sợi tơ có màu trắng, nhẵn bóng, không sù lông, tơ phải đều, sau đó mắc sợi, lựa chọn riêng ra sợi dọc, sợi ngang.
Tuy nhiên, nguyên liệu các chủ xưởng dệt đều phải nhập từ nơi khác. Quy trình sản xuất nghề dệt lụa không chỉ phức tạp mà còn đòi hỏi ở người thợ một sự sáng tạo và khéo léo. Nghệ thuật trang trí các hoa văn trên lụa được xem như chuẩn mực của phong cách tạo hình trên các chất liệu mỏng của các nghệ nhân. Họ sử dụng đề tài trang trí từ kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhưng sáng tạo chứ không rập khuôn để nhằm thích ứng với chất liệu dệt
Ông Hà cũng “bật mí”, hoa văn lụa Vạn Phúc được tạo ra trong quá trình dệt, còn hàng nước ngoài đa số là hoa văn được in lên trên lụa. Lụa của Trung Quốc chỉ sử dụng được một mặt, còn lụa của Vạn Phúc sử dụng được cả hai mặt.
Có thể thấy, các mặt hàng được bày bán tại làng nghề đều được dệt từ tơ lụa tự nhiên, mềm mại, mịn, mát, óng ánh mà ít có tơ lụa ở đâu sánh được. Không chỉ bán buôn, có nghề lụa, kiến trúc làng quê Bắc Bộ vẫn đậm nét nơi đây. Ngay bên trái cổng làng Vạn Phúc, bạn sẽ thấy ngôi chùa Vạn Phúc cổ kính, ngôi chùa đậm chất Bắc Bộ với cây đa cổ thụ, giếng sen cùng cây cầu gỗ, hồ bán nguyệt, rồi chợ quê… chắc hẳn sẽ đem lại cho du khách cảm giác thú vị.
Bên cạnh các cửa hàng tơ lụa sang trọng, khu chợ lụa bình dân cũng có sức hấp dẫn không kém. Bạn sẽ tìm được món đồ mình cần ở Vạn Phúc từ chiếc khăn tay dễ thương cho tới khăn quàng cổ điệu đà hay một bộ áo dài truyền thống độc đáo. Hiện ở Vạn Phúc có khoảng 160 hộ sản xuất kinh doanh lụa, với khoảng 265 khung dệt. Mỗi năm, làng lụa Vạn Phúc sản xuất khoảng gần 2 triệu mét lụa các loại. Lụa Vạn Phúc được dệt từ tơ tằm có giá bán dao động từ 500.000 - 1,2 triệu đồng mỗi m2, tùy độ dày, mỏng và họa tiết, vân hoa...
Nghệ nhân làng lụa Nguyễn Thị Tâm tự hào mỗi cửa hàng đều có nhãn mác riêng, các chủ cơ sở này phải cam kết và chịu trách nhiệm bán đúng sản phẩm. Với những hộ sản xuất như gia đình bà rất phấn khởi bởi lượng khách đến với làng nghề và đến với gia đình ngày một đông. Nhưng bà Tâm cũng trăn trở, phải làm sao để du khách đến Vạn Phúc một lần sẽ muốn quay trở lại, điều đó mới khẳng định được sức hấp dẫn của một làng lụa lâu đời.