Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi): Mở rộng đến cả dâu, rể có chống được giao dịch nội gián?

H.Vũ 03/12/2018 08:30

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được kỳ vọng khi xây dựng với những tiêu chí cao hơn, quy định chặt chẽ hơn làm điều kiện tiên quyết tạo đà cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Tuy nhiên Dự thảo này đang “nóng” ngay từ việc mở rộng phạm vi người có liên quan.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi): Mở rộng đến cả dâu, rể có chống được giao dịch nội gián?

Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi có một số quy định mới đáng chú ý như để chống giao dịch nội gián, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi những đối tượng được coi là người có liên quan gồm: Cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu. Trong khi đó Luật hiện hành chỉ quy định người có liên quan bao gồm: Cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con, con nuôi, anh, chị em ruột.

Theo như Dự thảo Luật mới, những đối tượng được mở rộng này sẽ nằm trong trường hợp phải công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, và phải chào mua công khai và đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong một số trường hợp.

Tuy nhiên theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc dự thảo luật đã mở rộng người có liên quan như bổ sung thêm “con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu” đang bộc lộ một số vấn đề chưa phù hợp. “Như bổ sung “con dâu” nhưng lại không bổ sung “bố chồng, mẹ chồng”. Như vậy sẽ dẫn đến con dâu là người có liên quan của bố chồng, nhưng bố chồng lại không phải là người có liên quan của con dâu. Tương tự với quan hệ con rể - bố vợ, mẹ vợ; anh rể -em vợ; em rể - anh vợ, chị vợ; chị dâu - em chồng; em dâu-anh chồng, chị chồng” - VCCI đưa ra phân tích đồng thời cho rằng, việc Dự thảo mở rộng đến các quan hệ dâu, rể, nhưng lại không quy định về các quan hệ ông, bà - cháu ruột; cô, dì, chú, bác - cháu ruột trong khi đây được coi là những mối quan hệ huyết thống vốn được coi là thân thiết hơn so với các quan hệ dâu, rể.

Từ đó theo VCCI, việc mở rộng phạm vi người có liên quan được cho rằng để phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam, nơi mà các quan hệ gia đình, quan hệ họ hàng có ảnh hưởng lớn đến các hành vi kinh tế của cá nhân trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở rộng này cũng cần cân nhắc đến gánh nặng chi phí tuân thủ của các cá nhân tham gia thị trường. Do đó cần cân nhắc việc mở rộng này.

Bên cạnh đó, Điều 18 của Dự thảo Luật quy định: “Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận để thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán”. Theo các quy định này, tổ chức kiểm toán phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Sau đó, công ty kiểm toán lại phải nộp hồ sơ cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và được “xem xét, chấp thuận và công khai danh sách” thì mới được hành nghề kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.

Tuy nhiên theo đánh giá của VCCI, một cơ chế quản lý như vậy tập trung nhiều vào tiền kiểm, tức là kiểm tra về điều kiện, hồ sơ năng lực của một công ty kiểm toán nhưng lại xem nhẹ hậu kiểm để bảo đảm chất lượng, chuẩn mực kiểm toán. Trong khi đó, mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán lại là bảo đảm chất lượng, chuẩn mực của hoạt động kiểm toán cho nên việc hậu kiểm cần được chú trọng hơn nhiều.

H.Vũ