Doanh nghiệp nhỏ trầy trật tìm vốn
Dù rất muốn mở rộng quy mô, cải thiện năng lực để tăng sức cạnh tranh, song nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, siêu nhỏ vẫn đang gặp khá nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về vốn. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nhiều chính sách hỗ trợ khối DN này hầu như chưa phát huy hiệu quả.
Rất ít doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Chủ yếu là vốn tự có
“Chúng tôi hầu như không vay được vốn ngân hàng, chủ yếu phải đi vay vốn chỗ gia đình, người thân, bạn bè, mà vay vốn như vậy thì quy mô rất nhỏ, muốn phát triển lớn hơn cũng không được” - ông Nguyễn Khánh Nam, Giám đốc của một DN chuyên sản xuất nguyên liệu nhựa, chia sẻ.
Theo ông Nam, DN của ông hiện có khoảng 15 nhân viên, quy mô DN chỉ ở hạng siêu nhỏ nên doanh thu cũng không lớn. “Lợi nhuận kiếm được chỉ đủ tiền trả lương cho nhân viên cũng là khá lắm, đôi lúc còn không có việc phải nợ lương anh em nên cũng rất ái ngại” - ông Nam cho biết và nêu lên nguyên nhân chính hiện nay đó chính là điểm nghẽn về vốn vay.
Theo vị Giám đốc trẻ, vay vốn ngân hàng phải qua rất nhiều thủ tục, mà đôi khi đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng thì cơ hội “làm ăn” đã bị vụt mất. Tình trạng các DN nhỏ, siêu nhỏ hiện nay đang loay hoay với vấn đề vốn không phải là mới. Nhiều DN trong khối DN nhỏ và vừa không dám mở rộng quy mô, không dám lớn vì tiềm lực vốn quá yếu. Thậm chí, không ít DN nhỏ phải tạm ngưng hoạt động vì thực tế này.
Cũng nêu lên những bất cập liên quan đến việc vay vốn, ông Nguyễn Hữu Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tuấn Hiển (Hà Nội) cho rằng, đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa hiện nay, khả năng tiếp cận các chính sách ưu đãi là rất hạn chế. Và cái khó tiếp cận nhất chính là nguồn vốn hỗ trợ từ phía ngân hàng, bởi các điều kiện mà ngân hàng đưa ra không dễ đáp ứng.
“Các DN hoạt động phần lớn bằng nguồn vốn huy động cá nhân. Đối với bất kỳ DN nào cũng vậy, luôn phải có các đơn hàng mới, nhưng khi cần vốn để triển khai thì vô cùng bị động. DN đặt vấn đề vay vốn tại các ngân hàng thương mại rất khó, bởi điều kiện thế chấp hoặc tài sản đảm bảo. Nếu có cố vay qua hệ thống dịch vụ thì lãi suất cực kỳ cao nên nhiều lúc DN phải hủy bỏ đơn hàng” - ông Hiển chia sẻ.
Hiện nay, mặc dù hầu hết khu vực DN vừa và nhỏ rất muốn mở rộng quy mô, muốn bứt phá để lớn lên, song vẫn còn gặp nhiều rào cản thủ tục hành chính, trong đó nổi bật là khó tiếp cận nguồn vốn vay ở các hệ thống ngân hàng.
Làm sao để DN lớn lên?
Theo PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính), khối DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là thành phần chính của nền kinh tế Việt Nam. Song trên thực tế, khối này vẫn chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô, tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động cũng như thị phần… Phần lớn các DN nhỏ cũng như hộ kinh doanh cá thể không được cập nhật những tiến bộ mới trong kinh doanh, mà vẫn làm theo khuynh hướng kinh tế gia đình và phát triển tự nhiên, không có khuynh hướng mở rộng quy mô.
Nhận định về thực tế này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những nỗ lực giải phóng thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân mà nhà quản lý đang thực thi đã có, song chưa đủ. Con đường để đảm bảo “DN tư nhân không cô đơn” cần có vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước để tạo lập môi trường bình đẳng và giảm chi phí kinh doanh.
Tuy nhiên, đại diện VCCI cũng thừa nhận, khu vực tư nhân hiện nay còn quá manh mún. Trong số các DN tư nhân đang hoạt động thì số DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại đến 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Nền kinh tế Việt Nam đang thiếu trầm trọng các DN cỡ vừa để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế.
Để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo đà để các DN siêu nhỏ lớn lên thành DN vừa, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, bên cạnh việc giải phóng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, Nhà nước cần đưa ra chính sách công nghiệp thúc đẩy khu vực tư nhân vươn lên. Các nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới đều làm vậy, nhưng thực tế ở Việt Nam còn hạn chế.
Ngoài ra, cần tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành DN. Nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp đang hoạt động, bảo đảm hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN.