Truy xuất nghiêm ngặt nguồn gốc thịt lợn, rau củ, quả không rõ nguồn gốc
Ngày 4/12, Sở Công Thương tỉnh An Giang tổ chức hội nghị “Phát động vận hành mô hình quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt lợn và rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh”.
Quang cảnh Hội nghị.
Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang: Hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 113 ngàn con; trung bình mỗi ngày, tỉnh giết mổ, tiêu thụ trên 1.000 con lợn; hàng năm An Giang nhập trên 3.000 con lợn từ các tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, trên thị trường tỉnh xuất hiện nhiều loại thực phẩm, nhất là từ thịt lợn mua bán không rõ nguồn gốc với giá rẻ, khi sử dụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, thương lái phải nhập lợn từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài tỉnh để cung ứng cho thị trường toàn tỉnh. Từ đó, tỉnh không thể thiết lập mô hình quản lý thịt lợn từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến kinh doanh.
Với thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã giao cho Sở Công Thương tỉnh An Giang phối hợp cùng với các đơn vị liên quan thiết lập mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn.
Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết: Thời gian qua, Sở đã xây dựng phần mềm, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý và truy xuất thịt lợn.
Theo đó, toàn bộ thông tin về trang trại nuôi hoặc hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kiểm tra thú y và kinh doanh thịt lợn sẽ được thiết lập thành chuỗi dữ liệu liên kết để phục vụ quá trình truy xuất của người tiêu dùng. Qua thông tin truy xuất, người tiêu dùng sẽ biết được nguồn gốc lợn được chăn nuôi cũng như chứng nhận chất lượng của nguồn lợn cung ứng như: chất lượng nguồn lợn cung ứng; điều kiện, chứng nhận về cơ sở giết mổ, thời điểm kiểm tra thú y và thông tin đơn vị bán thịt lợn.
Hiện nay, tỉnh An Giang đã khai trương và phát triển 3 điểm bán, cửa hàng có truy xuất nguồn gốc thịt lợn để phục vụ người dân thành phố Long Xuyên tại 2 chợ và 1 siêu thị. Nhiều cửa hàng sau khi triển khai truy xuất nguồn gốc thịt lợn sản lượng thịt bán ra tăng mạnh so với trước khi triển khai truy xuất.
Dự kiến, đến hết năm 2019, An Giang phát triển thêm từ 6-8 cửa hàng kinh doanh thịt lợn trên địa bàn tỉnh có truy xuất nguồn gốc, ưu tiên tập trung tại các địa bàn trọng điểm như: thành phố Long Xuyên, Châu Đốc và thị xã Tân Châu.
Bên cạnh xây dựng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thời gian qua, tỉnh An Giang cũng đã triển khai hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh và đã nhận được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp tác..
Tính đến nay, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả tại An Giang đã nhận được sự tham gia tích cực của 7 doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức ở thành phố Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Đốc; với tổng diện tích tham gia truy xuất nguồn gốc lên đến 140 ha, trong đó có 129 ha trồng xoài 3 màu tại huyện Chợ Mới...
Sau một thời gian triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả, trung bình mỗi ngày 7 đơn vị trên thu hoạch và bán sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc ra thị trường khoảng 370 kg rau các loại và trên 500 kg hoa quả các loại.
Tại hội nghị, nhiều sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đánh giá cao mô hình truy xuất nguồn gốc thịt lợn và rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua. Hai mô hình trên đã giúp người tiêu dùng nhận biết và kiểm tra các thông tin về nguồn gốc chăn nuôi, trồng trọt, điều kiện giết mổ, kiểm tra thú y, thuốc bảo vệ thực vật và xác định cửa hàng có trách nhiệm kinh doanh.