Nắm bắt dư luận, nâng chất lượng giám sát
Thực hiện có hiệu quả công tác tổng hợp dư luận xã hội góp phần quan trọng trong xây dựng và tổ chức thực hiện giám sát và phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.
Theo ông Phùng Đức Chiến- Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Phụ trách Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh: Thời gian qua, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã làm tốt công tác tuyên truyền đến cấp ủy, chính quyền và nhân dân nâng cao nhận thức về việc tổ chức thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị tổ chức triển khai thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đặc biệt, công tác tổng hợp tình hình dư luận xã hội thông qua tiếp xúc cử tri, tình hình nhân dân và ý kiến của đoàn viên, hội viên đã tạo cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên nắm thông tin và ý kiến đóng góp của các tổ chức thành viên, các Hội đồng tư vấn của MTTQ trong việc phản biện và góp ý xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội hơn 3 năm qua, đã đạt kết quả khả quan. Cấp tỉnh đã tổ chức được 18 cuộc giám sát, 19 cuộc phản biện. Cấp huyện đã tổ chức được trên 50 cuộc giám sát, trên 30 cuộc phản biện. Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã thực hiện nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng trên 1.400 công trình.
Theo ông Chiến, thông qua công tác giám sát và phản biện xã hội đã phát hiện một số nội dung có liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật và đã kịp thời kiến nghị tới các cơ quan nhà nước, các cơ quan liên quan để giải quyết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ kết quả này góp phần thực hiện tốt hơn công tác xây dựng Đảng, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng cho rằng, hoạt động giám sát của một số đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh còn chậm tổ chức thực hiện mặc dù đã có chương trình được phê duyệt. Trong đó, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện còn hạn chế, thụ động trong việc tổng hợp tình hình dư luận xã hội, các hình thức tập hợp và lựa chọn vấn đề để xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp xã còn yếu, nhiều nơi chưa tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Tổ chức thực hiện việc góp ý, xây dựng Đảng, xâng dựng chính quyền chưa thực hiện theo đúng quy định của Bộ Chính trị.
Trong đó chưa cụ thể hóa được quy định để huy động các tổ chức xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với đó, một số nơi, cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo; chính quyền chưa tạo điều kiện, chưa cấp kinh phí hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhận thức của một bộ phận cán bộ làm công tác tham mưu, cấp ủy đảng, MTTQ còn chưa hiểu rõ và sâu sắc tầm quan trọng của dư luận xã hội - kênh thông tin quan trọng trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ…
Ông Phùng Đức Chiến lưu ý, để có căn cứ tổ chức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, đòi hỏi cán bộ MTTQ và các đoàn thể cần nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là là các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước, MTTQ về công tác giám sát và phản biện xã hội trong đó có nội dung về nắm tình hình dư luận xã hội góp phần làm căn cứ xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ cũng được xem là giải pháp nhằm phản ánh khách quan đối với dư luận xã hội, tạo điều kiện để nhân dân, cộng đồng tham gia vào nhiệm vụ giám sát, phản biện của MTTQ.