Sơ suất là mất cả công… lẫn của
Đối với người tiêu dùng, nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong lĩnh vực tiêu dùng đã trở nên quen thuộc.
Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã tuồn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vào thị trường chỉ bằng cách thêm hoặc bớt một chữ cái trên nhãn mác sản phẩm. Sản phẩm dầu gấc Vinaga là một ví dụ điển hình của việc “đánh tráo khái niệm” này. Theo đó, một thời gian dài, trên thị trường xuất hiện sản phẩm Vitaga nhái lại sản phẩm Vinaga, khiến cho thương hiệu của nhãn hàng này bị ảnh hưởng, nhiều người tiêu dùng đã sử dụng hàng nhái mà không hề hay biết.
Có thể thấy, việc thay đổi một con số, một chữ viết trên nhãn hiệu nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là một chiêu thức không mới của các đối tượng làm hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trên thực tế, nguyên nhân một phần do chính các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trong quá trình xây dựng phát triển sản phẩm đã quên đi vấn đề bảo hộ thương hiệu, không có nguồn lực đảm bảo sở hữu trí tuệ, gây ra tình trạng công ty làm thương hiệu uy tín chất lượng nhưng DN làm giả, làm nhái lại được lợi. Số liệu thống kê cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 230.000 DN, trong đó 97 - 98% là DN nhỏ và vừa, nhưng có hơn 50% DN rất “lơ mơ” về các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ. Nhiều DN thờ ơ không thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ…
Thiết nghĩ, việc xây dựng được thương hiệu là cả một quá trình lao động nhọc nhằn của các DN, bởi vậy, mỗi DN cần ý thức được việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chính mình, tránh tình trạng để mất thương hiệu mới đi kiện cáo, đòi lại thương hiệu, vừa mất công vừa mất của.