Phòng các bệnh truyền nhiễm
Tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nước và nhà vệ sinh, nhất là trẻ em. Trong đó bệnh thường gặp như: tả, lỵ, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt... Bệnh thường xảy ra do ăn hoặc uống phải những thực phẩm, nước uống bị nhiễm vi khuẩn.
Nước sạch về với bà con vùng nông thôn.
Nhiều hộ dân chưa có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nước sạch, nhà vệ sinh cơ bản và thực hành vệ sinh tốt là rất cần thiết cho sự sống còn và phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì đảm bảo nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh vẫn còn rất khó khăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chính bà con mà còn gây trở ngại trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn và công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người.
Như tại Quảng Ninh, thống kê của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường cho thấy, vào cuối năm 2017, trong tổng số 120.870 hộ dân sinh sống ở 111 xã nông thôn trên địa bàn tỉnh thì vẫn còn tới hơn 20.500 hộ chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu không hợp vệ sinh. Phần lớn trong số này đều rơi vào hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Như ở xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), số hộ có nhà tiêu lại càng thấp hơn. Toàn xã có 910 hộ thì chỉ 574 hộ có nhà tiêu, nhưng chỉ 176 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Còn tại Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2017, trong tổng số 152 xã của 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 36%; riêng tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 60%. Nguyên nhân một phần do nhiều hộ dân điều kiện kinh tế còn khó khăn, một phần do không ít người dân vẫn nhận thức hạn chế, quan niệm rằng nhà tiêu chỉ là công trình phụ nên ít quan tâm.
Về nước sạch, cùng với việc nhiều vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các bản làng trên núi cao thiếu nước sạch thì tại nhiều vùng nông thôn, nơi mà thống kê đã có đủ nước sạch cho người dân thì nguồn nước vẫn không đảm bảo an toàn, do biến đổi khí hậu và bão lũ và đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường không được chú trọng đã khiến nguồn nước bề mặt và dưới lòng đất bị ô nhiễm nặng.
Tại Thanh Hóa, qua kiểm tra có tới 61/74 xã trong khu vực điều tra nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng asen vượt tiêu chuẩn cho phép, tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Yên Định. Còn tại Bình Định, 95% các giếng khoan dân dụng bị nhiễm khuẩn với coliform và ecoli ở mức cao. Tại Hải Phòng, 56% số mẫu nước trên tổng số 100 mẫu trong khu vực có nồng độ clo dư không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Còn Đồng Nai có 40% giếng khoan kiểm tra có nhiễm phèn. Đó là chưa kể ở hâu hết các khu công nghiệp, làng nghề, khai khoáng, điện than, phân bón… báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra sự ô nhiễm nguồn nước đã có xu hướng mở rộng và cấp số nhân cho khu vực nông dân nông thôn.
Sức khỏe người dân trong tình trạng báo động
Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 90% dân cư Việt Nam bị nhiễm các loại giun, sán đường tiêu hóa. Các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất. Điều đáng nói, số người mắc các bệnh này tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn.
Bệnh giun sán thường lây truyền do trứng giun của người bệnh theo phân ra ngoài rồi lại vào hệ tiêu hóa của người khỏe qua thức ăn, nước uống nhiễm bẩn hoặc chui qua da người vào cơ thể và gây bệnh. Ấu trùng của các loại sán lại từ phân người bệnh vào nước hoặc sống ký sinh trong ốc, cá... Ăn ốc có ấu trùng sán sẽ bị nhiễm sán. Người hay gia súc ăn cá, thịt không nấu chín cũng sẽ mắc bệnh.
Bệnh tiêu chảy, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, trong đó có nguyên nhân do virus, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân. Những người ăn uống và sống tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối...; sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Ngoài ra, đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa có thể truyền từ người bệnh sang người lành qua nước. Bởi vậy, để phòng tránh các bệnh này cần có đủ nước sạch để sử dụng hằng ngày. Đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, tắm rửa hay giặt giũ phải dùng xà phòng và nước sạch.
Các chuyên gia y tế cho rằng, mức độ rửa tay với xà phòng và nước sạch ở những thời điểm quan trọng còn thấp và điều này thường thấy trong cộng đồng các hộ nghèo và các nhóm dân tộc thiểu số, trong khi tiêu chảy là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.
Hoàn toàn có thể phòng bệnh
Theo các chuyên gia y tế, các bệnh lây truyền trên đều có thể ngăn ngừa được nếu chúng ta thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản như: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch tại các thời điểm trước khi ăn, sau khi đại tiện hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các thức ăn đã ôi thiu. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng và bảo quản tốt các nguồn nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ. Diệt các loại côn trùng có nguy cơ truyền bệnh như ruồi, gián và chuột.
Ngoài ra, nhà tiêu hợp vệ sinh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo tại các hộ gia đình, nơi làm việc, bệnh viện, trường học… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tập trung, năng suất lao động. Những công trình nhà tiêu hợp vệ sinh là yếu tố để người dân sống trong môi trường trong sạch hơn mà còn giúp cho việc phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
* “Rửa tay với xà phòng làm giảm tới 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…” - Phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết.