'Vua bò' trên đỉnh Phà Khốm
Ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) có một người đàn ông ngày đêm dày công bảo tồn, nuôi giống bò, ngựa bản địa, mở ra cánh cửa thoát nghèo để làm giàu cho mình và giúp đỡ dân bản. Ông là Thò Giống Nù (78 tuổi - người dân tộc Mông) trú tại bản Phà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
Ông Thò Giống Nù chăm sóc đàn bò.
“Để ta gọi đàn bò về” - ông Thò Giống Nù nói rồi đi ra khỏi nhà. Tiếp đó, ông chụm 2 bàn tay lại làm loa, gọi “ới ời, ới ời”. Trên sườn núi rậm rạp, đàn bò đang kiếm ăn xô nhau chạy rầm rập xuống bãi đất trống dưới chân đồi. Khi thấy ông chủ xuất hiện, trên tay cầm bao muối, chúng vây xúm lại. “Ở trên núi, chúng có nhiều lá cây để ăn nhưng thiếu muối, ngày nào tôi cũng phải bổ sung muối cho chúng” - già Nù giải thích.
Sắp bước sang tuổi 80 nhưng sức vóc của già Nù vẫn cường tráng. Tuổi tác khiến khuôn mặt ông đầy những nếp nhăn, nhưng chân tay còn chắc như cây rừng. “Ngày nào tôi cũng leo núi quen rồi. Không leo núi, cứ nằm ở nhà mới thấy mệt” - ông cười và kể.
Năm 1994 vùng đất này là những cánh rừng hoang sơ, thấy đất hoang, cỏ nhiều, ông bắt đầu nuôi bò. Giống bò ở đây đã có từ lâu đời. Đặc điểm bên ngoài có chút khác biệt với giống bò dưới xuôi là tai to, mông và chân dài, lưng hơi võng nhưng thịt rất ngon. Do đã quen với môi trường sống trong rừng nên giống bò này rất ít khi bị bệnh.
“Tôi nghĩ, nếu không nuôi thì chúng sẽ mất giống. Nuôi chúng, chúng sẽ cho mình tiền để thoát nghèo chứ cứ sống bằng rẫy trồng lúa thì nghèo mãi” - già Nù tâm sự.
Ông cũng cho biết, bắt đầu chỉ vài con bò nhưng sau vài ba năm, đàn bò sinh sản và giờ nhà ông đã có đàn bò với số lượng hàng chục con. Khi đàn bò nhiều lên, ông tìm đến khu vực này dựng nhà, khoanh vùng để làm trang trại nuôi bò, ngựa. Do rừng nhiều thức ăn nên việc chăm sóc cũng không quá vất vả. Đàn bò cứ lấy rừng làm nhà, tìm thức ăn rồi ban đêm ngủ luôn trong đó. Mỗi ngày, ông gọi chúng về vài ba lần để cho ăn thêm muối hạt và kiểm tra sức khỏe, sau đó chúng lại vào rừng. Đàn bò cứ thế, ăn rồi lớn, rồi sinh sản và đẻ ra... tiền.
Cuối năm ngoái, đàn bò và trâu của ông lên đến gần 100 con và gần chục con ngựa, trị giá khoảng gần 3 tỷ đồng. Nhưng đợt rét kỷ lục năm ngoái cũng đã “cướp” mất của ông 8 con bò và 4 con ngựa khi chúng không thể chịu đựng được cái rét xuống ngưỡng 1 độ C. Sau đó, ông đã phải bán bớt đàn bò, trâu và ngựa. Nhờ nuôi bò, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi ở dọc vùng biên giới Việt – Lào. Ông đã 2 lần được đi báo cáo điển hình làm giàu ở tỉnh.
“Tôi có 11 đứa con, nhờ đàn bò nên đứa nào cũng được đi học, 3 đứa con trai học xong cấp 3 và 1 đứa đi học đại học ở Hà Nội 4 năm, tốn 31 con bò giờ đã thành thầy giáo rồi” - ông khoe.
Học cách làm giàu của ông Thò Giống Nù, các con của ông cũng chọn bò làm đòn bẩy để thoát đói nghèo. Anh Thò Chư Hờ, con trai trưởng của ông cũng đến vùng này dựng nhà nuôi bò từ hơn 10 năm nay và hiện gia đình anh có gần 40 con bò, trâu và ngựa. “Ở đây chỉ có làm rẫy thôi, nhưng làm rẫy thì vẫn không đủ ăn. Không biết nuôi bò thì không hết nghèo được. Mấy anh em tôi ai cũng nuôi bò, mỗi nhà từ 20-30 con” - anh Hờ nói.
Em trai ông Nù là ông Thò Nỏ Pó cũng thành triệu phú nhờ nuôi bò trên vùng biên viễn này. Đàn bò, ngựa của ông Pó có lúc cũng lên đến 70-80 con, trị giá vài tỷ đồng. Mô hình “làm giàu không khó” này đã mở ra cánh cửa thoát nghèo khi nhiều người dân ở vùng biên đang học theo.
Nói như ông Vi Văn Hời - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Lễ: “Không chỉ bảo tồn được gen quý của giống bò, cách làm kinh tế này được đánh giá rất cao vì phù hợp với điều kiện của xã”.