Tầm soát ung thư sớm, điều trị sẽ đạt kết quả cao
Ngày 6/12, Bệnh viện Ung bướu TP HCM phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam, Hội Ung thư TPHCM và Bệnh viện K Trung ương tổ chức Hội thảo Phòng chống ung thư lần thứ 21.
Đây là cơ hội để các bác sĩ chuyên ngành ung thư trong nước và ngoài nước cùng nhau nhìn lại, chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tiến bộ y học và hoạch định chiến lược phát triển chuyên ngành ung bướu cho tương lai.
Nội soi tầm soát ung thư đại trực tràng.
Gia tăng số ca mắc mới
Hội thảo đề cập đến những chuyên đề: Dịch tễ học, tầm soát, phát hiện sớm ung thư; Tổng quát, phổi - lồng ngực, tiêu hóa, ung bướu nhi - niệu dục; Tuyến vú, phụ khoa, huyết học, đầu cổ; Giải phẫu bệnh, chăm sóc giảm nhẹ, điều dưỡng, kỹ thuật phóng xạ…
Theo các chuyên gia, năm 2018 ghi nhận những tiến bộ mới trong sự hiểu biết về căn bệnh ung thư, sự phát triển của chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới. Cùng với đó, các phương pháp phẫu thuật và xạ trị không những chỉ hướng đến việc điều trị khỏi bệnh mà còn hướng đến chất lượng sống và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh; bệnh nhân đã có thể tiếp cận các thuốc hóa trị và thuốc nhắm trúng đích mới hơn ngay tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TS.BS Phạm Xuân Dũng- Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống ung thư, chẩn đoán và điều trị nhưng tỉ lệ mắc mới ung thư và tỉ lệ tử vong do ung thư vẫn tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất được công bố năm 2018, theo Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocal, nếu như năm 2012, trên toàn thế giới có 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong thì đến năm 2018 số ca mắc mới lên tới 18,1 triệu ca và 9,6 triệu ca tử vong. Theo dự đoán đến 2025 sẽ tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó 56,8% ca ung thư mới và 68,9% ca ung thư tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng gia tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương khoảng 115.000 ca. Riêng tại TP HCM, nếu trong năm 2010, có hơn 6.800 ca ung thư mới thì năm 2015 tăng lên 9.000 ca.
Phát hiện sớm để điều trị có hiệu quả
Thống kê của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho thấy tỉ lệ mắc các loại ung thư nói chung tăng trung bình gần 10% mỗi năm. Bên cạnh việc gia tăng bệnh còn có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, thậm chí có những bệnh nhân phát hiện chỉ ngoài tuổi đôi mươi.
TS. BS Bùi Vinh Quang- Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, tại Việt Nam tính chung cả 2 giới, 5 loại ung thư có tỉ lệ mắc nhiều nhất gồm: Ung thư gan (chiếm 15,4%), ung thư phổi (14,4%), ung thư dạ dày (10,6%), tiếp theo là ung thư vú, ung thư đại tràng. Trong đó, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, hiện hiểu biết về bệnh ung thư đã khác xa trước đây; kỹ thuật, phương tiện máy móc chẩn đoán và cả các thuốc, hóa chất điều trị... cũng đã có rất nhiều, phát triển vượt bậc so với trước. Nhờ có phương tiện, máy móc hiện đại ra đời như PET-CT, MRI... giúp tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư; rồi máy móc, thuốc thế hệ mới, các phương pháp nhắm trúng đích... giúp hiệu quả điều trị cao hơn.
Bệnh ung thư sẽ trở thành bệnh nan y nếu chúng ta phát hiện trễ; nếu phát hiện sớm, được điều trị đúng phương pháp sẽ có kết quả cao. Chẳng hạn, ung thư vú phát hiện giai đoạn 1 sẽ có hơn 90% chữa trị thành công, có thể không phải cắt bỏ tuyến vú; ung thư cổ tử cung phát hiện giai đoạn 1, có thể trị thành công đến 80 - 90%. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Trong năm 2017 – 2018, Sở đã triển khai hướng dẫn người làm xét nghiệm tự lấy mẫu phân tại nhà, sau đó chuyển mẫu đến trạm y tế xã, phường và mẫu này được chuyển đến đơn vị y tế của Hà Nội đủ năng lực xét nghiệm sàng lọc. Các kết quả xét nghiệm dương tính được bác sĩ chỉ định tư vấn làm xét nghiệm chuyên sâu, qua đó đã có các trường hợp được phát hiện rất sớm ung thư đại trực tràng.
Các chuyên gia cũng khẳng định, ung thư là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cho đến nay, kết quả điều trị ung thư lệ thuộc chủ yếu vào việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Ở giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn nhiều loại bệnh ung thư. Ngược lại, ở các giai đoạn muộn, điều trị vừa tốn kém, vừa ít hiệu quả, chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng bệnh.