Vừng ơi mở cửa

V.Khoa 07/12/2018 07:11

Chiều 7/12, Chương trình nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa” sẽ diễn ra tại Kí túc xá Mễ Trì (182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội).

Vừng ơi mở cửa

Với mục đích tri ân, tôn vinh các thầy cô giáo đồng thời tạo cơ hội để các thế hệ sinh viên sống lại một thời hoa niên đầy ắp kỷ niệm với khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và truyền lại nhiệt huyết đó cho các thế hệ sinh viên hiện tại, từ sáng kiến của các anh, chị em cựu sinh viên, Khoa Văn học - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội phối hợp với Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, NXB Văn học, Báo Đời sống & Pháp luật, Báo Kinh tế và Đô thị, Ban Văn học nghệ thuật VOV6 Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức một chương trình giao lưu nghệ thuật giữa các thế hệ sinh viên của Khoa mang tên “Vừng ơi mở cửa”. Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình: PGS TS, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đây là chương trình được dàn dựng công phu với sự góp mặt của đông đảo thế hệ cựu sinh viên Khoa Ngữ văn trước đây, Khoa Văn học hiện nay cùng khách mời là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ... tên tuổi.

Đặc biệt, Trần Thanh Tùng (Tùng John) - một gương mặt quen thuộc của “làng” sinh viên Hà thành những năm 1990 khác làm sống dậy đam mê âm nhạc, gợi lại không khí văn nghệ trong đời sống sinh viên Hà Nội thuở chưa xa. Những ca khúc được phổ thơ của các cựu sinh viên Văn khoa như Nguyễn Thế Kỷ, Đoàn Ngọc Thu… cũng được gửi tới khán giả.

Nhân dịp này, tập thơ “Vừng ơi mở cửa”- tác phẩm được NXB Văn học xuất bản từ một tập sách của sinh viên Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp đã từng lưu hành nội bộ trước đây vào năm 1991. Tập thơ mở đầu với bài: “Vừng ơi mở cửa!” của tác giả Phạm Thu Thủy và kết thúc tập thơ là bài “Viết với câu thần chú” của tác giả Nguyễn Hồng Hải.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng là sinh viên lớp Ngữ văn K15, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho rằng, các cây bút góp mặt trong tập thơ “Vừng ơi mở cửa” đã cùng nhau làm nên một bản hòa tấu của tâm hồn.

“Công bằng mà nói, không phải bài thơ nào ở trong tập thơ này cũng đều hay cả, có bài khá và có cả những bài trung bình. Nhưng điều quan trọng là các cây bút sinh viên đã giúp chúng ta giữ lại và nhớ lại một thời hoa bướm nằm giữa những trang sách một thời mà nắng sân trường lung linh trong từng ánh mắt, một thời trong sáng tới mức không thể trong sáng hơn được nữa, một thời đã ra đi và biết bao giờ sẽ trở lại?”- nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhấn mạnh.

V.Khoa