Nhà văn Uông Triều: Khi dạy học, tôi tận tâm và hết mình
Nhà văn Uông Triều trước đây là một giáo viên, sau đó, anh chuyển sang con đường viết văn chuyên nghiệp. Các tác phẩm chính của anh: “Đôi mắt Đông Hoàng” (tập truyện ngắn), “Những pho tượng đá ở Yên Tử” (khảo cứu), “Tưởng tượng và dấu vết” (tiểu thuyết), “Sương mù tháng Giêng” (tiểu thuyết lịch sử), “Người mê” (tiểu thuyết), gần đây nhất là cuốn ghi chép “Hà Nội quán xá phố phường” nhận được nhiều sự đồng cảm của bạn đọc. Hiện nay, Nhà văn Uông Triều đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Quân đội.
Nhà văn Uông Triều chia sẻ về nghề giáo, nghề văn và kỉ niệm của anh với những thầy cô trong trường mà anh nhớ nhất:
Nhà văn Uông Triều: “Hồi cấp I đó là thấy giáo Sản, người đã dùng que tre vụt vào bàn tay tôi rất đau vì tội không học bài nhưng không phải vì thế mà tôi ghét thầy. Sự khiêm khắc của người thầy khiến cho tôi nghiêm túc hơn. Tôi phản đối bạo lực nhưng nếu chúng ta “hiền lành” quá, chúng ta sẽ không dạy được học trò. Và hồi đại học, ông thầy dạy tiếng Đức, thầy Tiedermann đã dạy cho chúng tôi bài học tuy đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Chuyện là thế này, một hôm thầy Tiedermann mời cả lớp đi uống cà phê, thầy nói rằng chỉ mời cà phê và nước ngọt thôi, cả lớp nhớ nhé. Nhưng chúng tôi đã phớt lờ, bọn con gái gọi bò khô, con trai bia và thuốc lá, ăn uống vô tội vạ. Lúc thanh toán, ông thầy nhất định không chịu trả tiền những món kia, bọn tôi bẽ mặt một phen nhưng thấy rõ ràng mình sai. Cả lũ gom tiền lại để thanh toán và một phen hết hồn vì sợ không đủ tiền. Bài học: không chịu lắng nghe và lạm dụng lòng tốt của người khác sẽ bị trừng phạt.
PV: Trên con đường trở thành nhà văn, anh có gắn bó với thầy cô nào không? Họ có sự ảnh hưởng tới anh ra sao?
- Tôi tự học để viết văn, không ai dạy tôi cả và không qua trường lớp nào nhưng có hai người tôi rất kính trọng, nếu coi đó là người thầy cũng được. Đó là nhà văn Hồ Anh Thái người đã giúp tôi những bước chập chững đầu tiên và nhà văn Nguyễn Bình Phương, người cho tôi thấy sự nghiêm túc, chuyên nghiệp và kiên trì của nghề văn. Khi còn ở Quảng Ninh, tôi đã viết thư tay gửi nhà văn Hồ Anh Thái vì nghe “đồn” anh thường giúp đỡ các bạn trẻ. Tôi viết thư gửi hú hoạ nhưng không ngờ sau đó anh Thái đã gọi điện cho tôi, nói rằng anh ấy đã biên tập và gửi bài giúp tôi. Có được sự giúp đỡ chân tình và nhiệt tình ban đầu ấy đã giúp tôi có thêm động lực rất nhiều. Còn nhà văn Nguyễn Bình Phương là khi tôi đã về Hà Nội. Chúng tôi thường trao đổi với nhau về những tác phẩm hay và qua sự nghiêm túc, kĩ càng của anh tôi học được rất nhiều điều. Đó là sự chuyên nghiệp, lòng kiên trì, say mê với nghề. Tôi đã tiếp thu những điều ấy từ các anh để “giao tiếp” với những bạn trẻ viết văn.
Tư tưởng của anh được định hình từ bao giờ và khởi nguồn như thế nào?
- Từ bé tôi đã mơ ước trở thành nhà văn và giấc mơ đó bị ngắt quãng một thời gian khá dài. Tôi viết văn hơi muộn, ba mươi tuổi mới bắt đầu. Nếu nói đến sự định hình tư tưởng của tôi thì đó là những cuốn sách, những cuốn sách tôi đọc thời sinh viên và đọc nhiều hơn khi đi làm. Những cuốn sách cho tôi thấy bầu trời thật rộng mở và những ước mơ lớn lao. Một lần, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng người ta có thế viết như thế và có thế sống như thế, hoàn toàn khác với những điều tôi biết. Và điều quan trọng nhất tôi phát hiện ra khi ấy: chúng ta có thể hoàn toàn làm khác đi, sống khác đi, một mình một thế giới mà không phải sợ hãi, lo lắng gì cả.
Điều đó có bắt nguồn từ người thầy nào không?
- Và cộng hưởng thêm từ người bạn thì đúng hơn. Một người bạn của tôi từng tuyên bố rằng, anh ấy sẽ phải là người xuất sắc nhất trong những người cùng làm, cùng học. Và bạn tôi đã làm được đúng như thế, giờ anh ấy đang nắm một vị trí quan trọng trong một tập đoàn hàng đầu thế giới. Tôi thì không làm được như thế và cũng không tham vọng bằng nhưng tôi nhấn mạnh bài học từ người bạn của mình là: luôn khát khao và nỗ lực để vươn đến những cái tốt nhất.
Nhà văn là một nhà tư tưởng, thông qua tác phẩm của mình nhằm truyền tải tư tưởng đó?
- Càng gần đây tôi càng quan tâm tới nỗi buồn và sự cô đơn của con người. Chúng ta dù xung quanh đầy rẫy người vẫn không khỏi có lúc cô đơn, cô độc. Có những nỗi buồn, nỗi đau không thể sẻ chia sẻ với ai và tôi thể hiện nó qua những trang sách. Tôi thích viết về nỗi buồn đau, sự cô đơn, bất lực và những người dám đứng một mình mỗi cõi, thậm chí đối kháng, mâu thuẫn với cả thế giới. Những người đó ban đầu có thể nhìn họ hơi lập dị, khác thường nhưng họ góp phần làm cho thế giới khác đi, nghĩa là có sự biến chuyển, thay đổi. Và chẳng phải trong chúng ta ai mà không có mầm mống phản loạn đó sao, vấn đề là có đủ tài và đủ dũng cảm để làm không thôi.
Vậy giáo dục trong tác phẩm của anh được biểu hiện ra sao?
- Tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết về giáo dục (chưa xuất bản). Dù không còn dạy học nhưng bóng dáng của một ông thầy trong tôi vẫn còn sâu đậm lắm. Tôi thấy nó hiện hữu trong tác phẩm của mình, ở phong thái, cách suy nghĩ, cảm nhận, ở những chiêm nghiệm về học trò và cuộc đời. Tôi vẫn mang tính “gàn” của một ông thầy: hay cãi, hay soi và sãn sàng lên tiếng với những bất công dù điều ấy không có liên quan đến mình.
Điều đó có tương đồng với nghề giáo?
- Nghề văn không nhất thiết là nghề giáo mà gần gũi về hồn cốt, tinh thần của nó. Chúng gần gũi nhau về mặt tâm hồn. Như tôi quan sát qua nghề nghiệp của mình, (biên tập viên văn học): có lẽ đến hơn năm mươi phần trăm các nhà văn ở Việt Nam là nhà giáo hoặc xuất thân nghề giáo. Vì sao, vì họ có tri thức, có tâm hồn nghệ sĩ và những khát vọng vươn tới cái đẹp, những thứ rất gần cho sáng tạo nghệ thuật, nhất là việc viết văn.
Nghề giáo trong anh là gì? Và làm sao mà người thầy có thể làm tròn được trách nhiệm của mình đối với học trò?
- Khi dạy học tôi rất tận tâm với học trò và hết mình. Tôi luôn tranh thủ ngoài việc truyền dạy kiến thức còn lồng những phong cách, tư tưởng mới mà tôi thấy cần thiết với học sinh. Thực ra tôi không thoả mãn với vai trò là ông thầy dạy kiến thức thông thường. Tôi từng là giáo viên dạy tiếng Anh nhưng đã nhiều lần xung phong dạy Giáo dục công dân, dạy Quân sự khi trường không có đủ giáo viên và học sinh cũng hài lòng khi tôi làm “trái tay”. Nhiều học trò sau này cũng bảo rằng, tôi là một trong những người ảnh hưởng đến các em nhất. Điều đó thật vui sướng và tôi biết rằng nó không đơn thuần xuất phát từ việc chỉ truyền đạt kiến thức. Nhưng tôi cũng từng nghiêm khắc với học trò của mình, từng bạt tai có em và những học trò đó cũng không giận tôi. Đến tận bây giờ những em đó vẫn quý tôi nhất (cười). Vì mình làm vì cái tâm của người thầy, dùng đòn roi là bất lực và tôi cũng từng khóc vì học trò quá hư. Nhưng thực ra trong giáo dục, truyền tải kiến thức không phải là thứ quan trọng nhất. Đôi khi chúng ta quá nặng nề điều đó, áp vào khuôn khổ, bắt học trò thế này, thế kia và đôi khi xảy ra những bi kịch, khi học trò không theo ý chúng ta…
Theo anh, với nghề giáo, điều gì là quan trọng nhất?
- Như tôi đã nói, đó là truyền cảm hứng, truyền nhiệt huyết cho học trò. Kiến thức các em có thể lĩnh hội dần dần qua sách vở và nhiều con đường khác nhau. Truyền nhiệt huyết, tình yêu của mình để các em học tập, làm việc, có ước mơ đó mới là điều quan trọng nhất. Một người thầy giỏi là khiến học trò say mê môn học của mình mà không phải áp lực bởi điểm số hay đỗ đạt, đó mới là người thầy thành công. Dùng quyền lực để áp đặt học trò, đó là những người thầy thất bại.
Xin cảm ơn anh.