Bất cập trong việc sáp nhập nhà hát Đam San

Hoàng Minh (thực hiện) 08/12/2018 09:30

Theo kế hoạch, trong thời gian tới Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Du lịch tỉnh Gia Lai và Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Nhà hát Đam San) sẽ tiến hành sáp nhập. Mặc dù vẫn đang trong lộ trình triển khai nhưng việc chủ trương sáp nhập đang phát sinh nhiều mâu thuẫn, bất cập.

Bất cập trong việc sáp nhập nhà hát Đam San

NSƯT Chu Thị Thúy Hà.

Xung quanh vấn đề này, NSƯT Chu Thị Thúy Hà - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Đam San đã có những bày tỏ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết.

PV: Thưa bà, bà đánh giá sao về chủ trương sáp nhập này?

NSƯT Chu Thị Thúy Hà: Theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là “Tiếp tục duy trì các đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu”, chỉ thực hiện “Hợp nhất đối với trung tâm văn hoá và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh (hạng III) thành một đầu mối” đây là một chủ trương đúng đắn, là cú hích để các địa phương nâng cao năng lực, tinh gọn bộ máy theo hướng đơn giản, hiệu quả. Tuy nhiên, với trường hợp Nhà hát Đam San việc sáp nhập này chưa thực sự thỏa mãn.

Hiện nay, Nhà hát Đam San là đơn vị nghệ thuật công lập hạng II và là nhà hát duy nhất của tỉnh Gia Lai. Do đó, việc sáp nhập đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như Nhà hát Đam San với đơn vị không chuyên như Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh và Du lịch sẽ “khai tử” một đơn vị nghệ thuật truyền thống có bề dày thành tích, cống hiến cho văn hoá, nghệ thuật dân tộc, đồng thời nghiệp dư hoá nghệ thuật chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống sẽ không được chuyên sâu, chuyên nghiệp như lâu nay vẫn làm, nguy cơ mai một chỉ còn là vấn đề thời gian. Đơn cử như trường hợp tỉnh Kon Tum và Lâm Đồng sau khi sáp nhập đã và đang nảy sinh khá nhiều bất cập.

Việc sáp nhập sẽ xảy ra những hệ lụy gì thưa bà?

-Trung tâm từ trước đến nay chỉ chuyên về các hoạt động trưng bày, triển lãm, còn Nhà hát hoạt động về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Cách thức hoạt động của 2 đơn vị là hoàn toàn khác nhau. Trong khi Trung tâm hầu như chỉ hoạt động theo mô hình quần chúng thì với nhà hát lại chú trọng vào các hoạt động chuyên sâu và đào tạo.

Nếu tinh giảm biên chế thì sẽ giảm ai? Ở đó, từ bộ máy lãnh đạo đến nguồn lực con người sẽ bị cắt giảm. Nhưng đổi lại yêu cầu công việc sẽ lại tăng lên và nội dung công việc bao gồm tất cả các mảng văn hóa, thể thao và du lịch. Lúc đó một người sẽ phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, thậm chí “trái ngành, trái nghề”. Từ đó dẫn tới hiệu quả công việc sẽ bị giảm sút là điều không thể tránh khỏi.

Việc sáp nhập trong thời gian qua cũng đang làm tâm lý anh chị em nghệ sĩ nhà hát hoang mang. Bởi khi xây dựng Đề án Nhà hát chỉ đóng vai trò thống kê nhân sự rồi trình lên Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai. Mặc dù kế hoạch yêu cầu được thực hiện trong Quý 3/2018 nhưng thời điểm này về công tác nhân sự vẫn chưa biết ai sẽ bị cắt giảm, ai sẽ ở lại… Thật sự thời điểm này rất tội cho anh em nghệ sĩ của nhà hát vì có rất nhiều anh chị đã gắn bó nhiều năm nhưng đến nay như “ngồi trên đống lửa” vì không biết tương lai của mình ra sao.

Thậm chí nhiều nghệ sĩ chỉ còn 5, 10 năm nữa sẽ nghỉ hưu sẵn sàng nghỉ sớm để tạo điều kiện cho lớp trẻ nhưng hiện nay chế độ ưu đãi cho họ lại rất thấp. Chưa kể, ngay những nghệ sĩ trẻ đang công tác tại nhà hát việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuyên môn và hướng phát triển của họ trong tương lai. Bởi theo chủ trương nếu sáp nhập đơn vị mới sẽ do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) quản lý chứ không phải Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Bất cập trong việc sáp nhập nhà hát Đam San - 1

Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Đam San.

Nếu không sáp nhập thì nhà hát sẽ thay đổi gì để vẫn có thể thực hiện tốt chủ trương?

- Nhà hát Đam San được hình thành từ năm 1954. Hành trình hơn nửa thế kỷ ấy, nhà hát luôn được định hướng và trung thành theo dòng nghệ thuật truyền thống dân gian, dân tộc, tiêu biểu, đại diện cho nghệ thuật múa và âm nhạc đặc thù của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, nhà hát làm tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, nâng cao nghệ thuật dân gian dân tộc, trở thành đoàn nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu đại diện cho các dân tộc Tây Nguyên, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, nhiều tiết mục ca múa nhạc xây dựng trên “trầm tích” văn hóa dân gian, dân tộc cổ truyền của các dân tộc đã tạo ấn tượng tốt với khán giả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế hiện nay Nhà hát Đam San vẫn đang hoạt động nhờ sự bao cấp của Nhà nước. Một năm nhà hát có 130 buổi biểu diễn chủ yếu là phục vụ cơ sở từ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Do đó, nếu đề cập đến vấn đề tự chủ hiện nay với nhà hát là việc vô cùng khó khăn. Bởi để làm được việc này để các đoàn ở trung ương đã là khó chứ chưa nói đến một nhà hát ở miền núi. Bởi ngay các chương trình biểu diễn của nhà hát biểu diễn phần lớn chỉ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho cho bà con dân tộc thiếu số.

Còn để thực hiện được những chương trình bán vé, có nguồn thu là điều không thể. Ngoài ra, nếu muốn nhà hát tự chủ thì đơn vị cũng cần phải có một nguồn cơ sở vật chất phải tương đối để đảm bảo duy trì việc hoạt động. Bởi gọi là nhà hát nhưng hiện nay đơn vị vẫn chưa có một nơi biểu diễn cố định. Rồi đến vấn đề trang thiết bị, âm thanh cũng hết sức khó khăn. Nếu có thể, trong thời gian tới nhà hát sẽ cố gắng tự chủ một phần, cân đối lại nguồn thu chi.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hoàng Minh (thực hiện)