Nỗ lực vì sự phát triển của con người

Hoàng Mai 10/12/2018 08:00

Hồi đầu tháng này, trong hội thảo công bố báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát theo chu kỳ III (UPR III), đại diện Liên hợp quốc (LHQ), bà Caitlin Wiesen- Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III.

Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc triển khai hiệu quả các khuyến nghị nhận được tại Phiên đối thoại tháng 1/2019 sắp tới, khẳng định UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai những khuyến nghị này, qua đó góp phần bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III tập trung làm rõ kết quả thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ II (tháng 6/2014) và những bước phát triển mới trên thực tế về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam.

Báo cáo đã chỉ rõ Việt Nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị trong tổng số 182 khuyến nghị đã chấp thuận tại chu kỳ II (chiếm 96,2%); cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ I năm 2009. Việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã có những tác động tích cực đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người. Kể từ lần rà soát UPR trước (2014), những thành tựu phát triển của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó có việc hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và đang bước đầu đạt kết quả khả quan trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15-20%.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 7,69% năm 2017; hơn 1,6 triệu lao động đã được tạo việc làm; 93,4% hộ có nguồn nước hợp vệ sinh trong cả nước năm 2016; 570 hộ nghèo nông thôn được hỗ trợ nhà ở. Thực hiện khuyến nghị của Indonesia, Nga... Việt Nam cũng đã trợ cấp cho hơn 1 triệu người khuyết tật nặng, cấp thẻ bảo hiểm cho hơn 800.000 người, trợ cấp cho hơn 80.000 nạn nhân chất độc da cam và con đẻ của họ với mức 232.000 đồng/tháng.

Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook... Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bà Hoàng Thị Thanh Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) thông tin: Việt Nam đã thực hiện 100% khuyến nghị, thậm chí còn vượt lên trên các khuyến nghị, vì đây cũng là những ưu tiên trọng điểm của Việt Nam.

Cũng cần nói thêm rằng, kể từ lần rà soát trước, nhiều chính sách mới quan trọng đã được ban hành với mục tiêu để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người; đặc biệt là nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động. Việt Nam vì thế cũng chú trọng đến các khuyến nghị về đảm bảo bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái; đảm bảo quyền trẻ em; hỗ trợ nạn nhân buôn bán người...

Hiến pháp 2013 sửa quy định nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ tại Hiến pháp năm 1992 thành “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Cách tiếp cận này cũng được thể hiện trong nhiều đạo luật; đặc biệt là Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định về quyền xác định lại giới tính (Điều 36), chuyển đổi giới tính (Điều 37), thay đổi tên người đã xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính (Điều 28)…

Cơ chế UPR được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền LHQ do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt quốc gia lớn, nhỏ. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, để thực hiện các khuyến nghị, Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quyền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự... Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Từ năm 2015 - 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Gần đây nhất, năm 2016, Ban đại diện Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (Mormon) đã được công nhận và Phật giáo hiếu nghĩa Tà Lơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; tháng 8/2018 Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam được cấp đăng ký hoạt động; 2 tổ chức Tin lành đang được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký hoạt động…

Có thể khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và nghiên cứu chuẩn bị tham gia các Công ước quốc tế khác về quyền con người. Và vấn đề này sẽ ngày càng được Việt Nam quan tâm hơn, vì sự phát triển của con người.

Hoàng Mai