Ưu tiên sửa đổi các luật để thực hiện CPTPP
Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Trong nhiều nội dung đề nghị bổ sung, nhiều đại biểu cho rằng cần ưu tiên tập trung để sửa đổi các luật liên quan để thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, khi phê chuẩn CPTPP có dự kiến sửa đổi các luật cho phù hợp với các cam kết tham gia CPTPP và trình Quốc hội tại kỳ thứ 7, bao gồm các vấn đề về: Sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, kinh doanh bảo hiểm nhưng chính Bộ trưởng Tư pháp cũng bày tỏ những băn khoăn, hiện không thấy đưa các nội dung trên vào trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2019.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, luật nào có áp dụng trực tiếp có thể áp dụng ngay mà không cần sửa đổi; những luật chưa yêu cầu làm ngay thì đang tính toán và cần có thêm thời gian; cần làm ngay thì có thể dùng 1 luật sửa nhiều luật và thông qua bằng quy trình rút gọn. Do đó 3 vấn đề về sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, kinh doanh bảo hiểm đang dựa trên cơ sở rà soát, báo cáo của Bộ Công thương, sau đó Chính phủ sẽ trình sau. Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, năm 2019 phải triển khai Nghị quyết Quốc hội phê chuẩn CPTPP. Do đó, các luật liên quan đến CPTPP cần nội luật hóa các quy định để đưa vào trong chương trình.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND. Với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu nhất trí thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND.