Nga 'tố' nghị sĩ Ukraine kích động khủng bố khi kêu gọi đánh sập cầu Crimea
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích việc nghị sĩ Ukraine lên tiếng kêu gọi đánh sập cây cầu vừa khánh thành nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.
Tàu chở hàng Nga chặn lối ra vào dưới cầu tại eo biển Kerch trong khi máy bay hoạt động trên không trong vụ đụng độ với các tàu Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: TASS).
Theo TASS, nghị sĩ Igor Mosiychuk của Ukraine đã tuyên bố cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea phải bị “phá hủy”. Nghị sĩ Mosiychuk cho rằng bất kỳ ai cũng có thể đánh sập cầu Crimea, từ “các nhóm nổi dậy Ukraine, phe nổi dậy ở Caucasus, người ngoài hành tinh hay thậm chí Chúa trời”.
Đáp lại thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết đó là “một trong nhiều tuyên bố do chính quyền Kiev hoặc nhóm chính trị hiện đại tại Ukraine đưa ra, trong đó có lời kêu gọi trực tiếp cho các hành vi khủng bố”.
“Nếu họ nhận thấy không có vấn đề gì với các tuyên bố công khai kiểu như vậy, thật khó để tưởng tượng những kế hoạch bí mật của họ còn như thế nào, hay kiểu “tương lai hòa bình” mà chính quyền Ukraine đang chuẩn bị cho đất nước của họ sẽ ra sao”, bà Zakharova bình luận.
“Các chính sách của chính quyền (Ukraine) đều dựa trên sự khiêu khích, tương tự vụ việc tại eo biển Kerch, cái chết được dàn dựng của nhà báo Nga Arkady Babchenko, cùng những lời hăm dọa và đe dọa chưa có hồi kết”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.
Trước đó, Nga cũng đã lên tiếng chỉ trích việc nhà báo Mỹ Tom Rogan “khuyên” Ukraine đánh sập cây cầu mới được khánh thành hôm 15/5 nối đất liền Nga với Crimea. Theo nhà báo này, “Ukraine nên phá hủy các bộ phận của cây cầu” vì công trình này là “một sự sỉ nhục rõ ràng tới uy tín của Ukraine với tư cách là một quốc gia”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khánh thành cây cầu dài 19 km bắc qua eo biển Kerch. Đây là công trình lịch sử, được hoàn thành sớm hơn nửa năm so với dự kiến và được xem là biểu tượng cho quyết tâm thống nhất lãnh thổ của Tổng thống Putin sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014.
Cận cảnh cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.
Đề nghị thả thủy thủ Ukraine
Liên quan tới vụ đụng độ tại eo biển Kerch hồi tháng trước giữa lực lượng an ninh Nga và các tàu hải quân Ukraine, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 10/12 cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hối thúc Nga thả 24 thủy thủ Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin.
Theo ông Seibert, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Đức đã “tập trung vào tình hình tại eo biển Kerch”. Theo đó, Thủ tướng Merkel đã nói với Tổng thống Putin rằng cần phải có các biện pháp để bảo đảm việc “đi lại bình thường” qua eo biển Kerch sau khi có thông tin Nga phong tỏa một phần khu vực này khiến các tàu không thể ra vào biển Azov - nơi có các cảng biển của Ukraine.
Nghị viện châu Âu hôm qua cũng kêu gọi Nga thả 24 thủy thủ bị Moscow bắt giữ trong vụ đụng độ tại eo biển Kerch gần đây.
“Chúng tôi kêu gọi thả các thủy thủ Ukraine, và nếu điều này không được thực hiện, nên có các lệnh trừng phạt. Chúng tôi cũng kêu gọi ông Putin, hãy thả các thủy thủ để họ có thể trở về nhà với gia đình”, Michael Gahler, báo cáo viên của Nghị viện châu Âu về Ukraine, tuyên bố.