Tôn vinh phở Việt Nam
Nhằm tôn vinh nét văn hóa ẩm thực phở Việt Nam, ngày 12/12, tại Hà Nội, báo Tuổi trẻ đã tổ chức chương trình “Ngày của phở 2018” với chủ đề “Tôn vinh hương vị Việt - Hành trình trở về phở xưa”.
Một gian hàng tại triển lãm “Chuyện của phở”. Ảnh: Nam Trần.
Tại chương trình đã diễn ra một chuỗi hoạt động như triển lãm chuyên đề “Chuyện của phở”, giới thiệu trăm năm phở Việt, Gala vinh danh những Hiến kế phát triển Ngày của Phở và trao giải những tác phẩm xuất sắc trong cuộc thi Ký ức về phở.
Triển lãm sẽ tái dựng hành trình trăm năm phở Việt qua những tấm ảnh quý giá, khám phá quy trình chế biến phở truyền thống cũng như hiện đại. Ngoài ra, khách tham quan còn được thưởng thức, cảm nhận, so sánh hương vị phở biến tấu qua thời gian …
Đặc biệt, tại tọa đàm “Tôn vinh hương vị Việt - Hành trình trở về phở xưa” các diễn giả tham gia thảo luận, đề xuất các giải pháp phát triển giá trị độc đáo của phở, tôn vinh Hương vị Việt, tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt, góp phần xây dựng và phát huy nét văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Theo chuyên gia ẩm thực Nguyễn Thị Tuyết - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Hà Nội, đánh giá “Phở là món ăn không cần quảng bá, tự nó đã nổi tiếng”.
Đây là món ăn “như cơm, như quà”. Với đặc tính thú vị này, phở rất được yêu thích, được người Việt ăn vào bất kỳ buổi nào trong ngày”. Bà Tuyết cũng bật mí phở là món ăn được ưa chuộng ở Nhật tới mức người Nhật đã đi trước Việt Nam một bước khi dành riêng một ngày cho phở Việt là 4/4. Người Nhật đã từng mời các thành viên gia đình phở Thìn sang Nhật dạy nghề nấu phở.
Hay như ông Cồ Việt Hùng, đầu bếp phở Nam Định từng từ chối dạy nghề phở tại khách sạn Metropole vì muốn giữ bí quyết cho dòng họ. Ông Nguyễn Trọng Thìn - chủ của thương hiệu phở Thìn Lò Đúc đã từng sang Hàn Quốc dạy nấu phở.
“Phở nổi tiếng, quan trọng như vậy nhưng chúng ta chưa thực sự biết cách tôn vinh món ăn này đúng với tầm cỡ của nó”, bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, phở đã ra đời cách đây hơn 100 năm, ngay trên vùng đất châu thổ sông Hồng này. Trong chặng đường hơn trăm năm, phở luôn ghi dấu với bao biến chuyển của đất nước; phở đã lan tỏa ra khắp nơi và không ngừng “biến tấu” theo khẩu vị và “nết ăn” của từng vùng miền.
“Ngày của phở không phải chỉ của riêng báo Tuổi Trẻ mà là sự kiện của tất cả mọi người Việt Nam, để chúng ta cùng chung tay đưa món ăn này đi khắp thế giới, nhằm đến một ngày phở của người Việt sẽ nổi tiếng như sushi của người Nhật, pizza của người Ý…
Với những thương hiệu phở danh giá của Hà Nội có mặt để phục vụ công chúng trong Ngày của phở, thực khách sẽ được thưởng thức những bát phở ấm nóng để có cảm nhận sâu sắc hơn về phở Việt, cũng như làm ấm lên ngày rét mướt của Hà Nội” -Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ chia sẻ tại lễ khai mạc.