Đào tạo đại học: Muốn tốt, phải bám thực tiễn
Tại buổi đối thoại với sinh viên trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2018-2023, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá sẽ có nhiều thay đổi.
Một buổi đối thoại giữa sinh viên ĐH Công nghiệp Quảng Ninh và doanh nghiệp.
3 trụ cột quan trọng
Trả lời câu hỏi của một sinh viên về tính bền vững của các nghiên cứu khoa học trong nhà trường hiện nay, chỉ kéo dài đến khi ra trường, thiếu sự kết nối để tạo ra những sản phẩm nghiên cứu cụ thể đóng góp cho xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nghiên cứu khoa học cùng với đào tạo nhân lực và chuyển giao trí thức là 3 trụ cột rất quan trọng của các cơ sở giáo dục ĐH. Đây cũng là một trong những chỉ số quyết định thứ hạng trường ĐH và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đồng thời kết nối nhà trường với doanh nghiệp và cộng đồng
“Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH cũng như chủ trương được nêu trong các Nghị quyết, trường ĐH được thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các startup, các vườn ươm… Đây sẽ là nơi kết nối giữa sinh viên, giáo viên, những người có ý tưởng với doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm, chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm, thậm chí đầu tư cho những nghiên cứu đỉnh cao”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh; đồng thời cho rằng cần thành lập các nhóm nghiên cứu không chỉ kết nối trong trường ĐH mà với quốc tế, để ra những sản phẩm, để bán được. Từ đó có môi trường tốt để sinh viên theo đuổi, kết nối, tìm thấy sự sáng tạo bền vững và khởi nghiệp được. Bộ trưởng tin tưởng khi nghiên cứu khoa học là động lực thực sự của sinh viên và các em theo đuổi vì đam mê chứ không phải chỉ để lấy điểm hay thành tích thi đua thì nghiên cứu đó sẽ kéo dài, kể cả khi các em đã ra trường.
Đào tạo thông qua thực tiễn tại doanh nghiệp
Nêu lên thực tế là sinh viên hiện nay yếu về kỹ năng thực hành, một sinh viên đến từ Bình Định cho biết có một số đơn vị không muốn nhận học sinh vào thực tập, kiến tập, tham quan trao đổi các dây chuyền công nghệ mới. Sinh viên kỹ thuật học nặng lý thuyết, ít thực hành dẫn đến sau khi ra trường mất thời gian khá lâu để học kỹ năng cần thiết phục vụ công việc.
Là người đứng đầu ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận việc đào tạo chưa sát với sử dụng là thực tế phổ biến trong các trường ĐH của chúng ta hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt được như mong muốn.
Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp gặp khó khăn. Thứ nhất, doanh nghiệp có quy trình làm việc, vì vậy sinh viên thực tập khó được giao công việc trong các quy trình này. Thứ hai, chương trình sinh viên học so với thực tiễn còn khoảng cách, do vậy khi sinh viên đến doanh nghiệp chưa thể cập nhật ngay được vào công việc, thậm chí còn ngại ngần tự ti khi được giao việc. Và thứ ba là từ chính bản thân sinh viên, một số bạn vẫn coi thời gian thực tập như một phần phải hoàn thành của quá trình học mà chưa coi đó là thời gian để được “nhúng mình” vào thực tế, điều đó làm cho doanh nghiệp không mặn mà trao truyền cho các bạn những kinh nghiệm thực tiễn.
Bên cạnh đó, các trường ĐH phải có trách nhiệm trong thiết kế chương trình và có trách nhiệm với người học. Nếu không làm được điều đó, các trường cũng sẽ dần không có người học. Các trường ĐH phải thay đổi, các thầy cô cũng phải thay đổi để bám sát với thực tiễn.
“3 yếu tố nhà trường - doanh nghiệp - người học phải kết nối với nhau trên nguyên tắc cân bằng. Không phải cứ học ĐH là ra có thể làm được việc ngay, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Trường ĐH chỉ cung cấp những kiến thức căn bản, còn khi vào các doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp lại có nét văn hóa riêng, có công nghệ riêng thì chúng ta phải dành một thời gian để làm quen với môi trường mới. Do vậy, doanh nghiệp phải mất công sức để đào tạo lại”- Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017, Bộ GDĐT đã thí điểm 2 mô hình đào tạo gắn nhà trường với doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch. Theo đó, khoảng thời gian đào tạo ngoài nhà trường chiếm tới 30-50% số tín chỉ.
“Các trường ĐH liên kết với các doanh nghiệp cùng đào tạo, đào tạo thông qua thực tiễn. Sinh viên được nhúng mình vào hoạt động của doanh nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường. Có như thế, những sản phẩm sau khi ra trường mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”- Bộ trưởng nói.
* Nâng cao năng lực dự báo thị trường: “Hiện khâu dự báo thị trường của chúng ta còn yếu. Các trường ĐH nói chung khi đào tạo chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu của thị trường, ít nhất là thị trường trong vòng 4 - 5 năm, mà chủ yếu đào tạo theo năng lực mình có. Ngay trong quá trình tuyển sinh cũng chủ yếu quảng bá về năng lực đào tạo mà thiếu hàm lượng thông tin dự báo thị trường. Có những ngành hiện tại có thể đang “hot” nhưng 4-5 năm sau không còn “hot” nữa và ngược lại, những ngành hiện tại tưởng chừng không được xã hội quan tâm thì sau một thời gian xã hội lại cần. Do vậy, việc dự đoán được nhu cầu dài hạn, từ đó đưa ra được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thiết kế được chương trình giảng dạy phù hợp là rất cần thiết. Trước mắt, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các trường khi mở ngành phải rất chú trọng dự báo nhu cầu của thị trường”- theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.