Nông sản Việt tiến sâu vào thị trường ngoại

Thanh Giang 14/12/2018 08:30

Thông qua các hiệp định thương mại song phương, đa phương cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ phát triển và mở rộng thị trường của giới doanh nghiệp trong nước, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang từng bước thâm nhập và tiến sâu vào thị trường nhiều nước trên thế giới.

Nông sản Việt tiến sâu vào thị trường ngoại

Nông sản Việt ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường các nước trên thế giới.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Ông Võ Tân Thành - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm gần đây các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đáng chú ý, mặt hàng nông sản từng bước chiếm lĩnh thị trường các nước thông qua kim ngạch xuất khẩu mang tính đột phá. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 11 tháng đạt hơn 36 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng tăng cao như: gạo tăng 17%, rau quả tăng 11%, thủy sản tăng gần 7%…

Nhận định về tình hình xuất khẩu nông sản, Bộ NNPTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng cao vào những tháng cuối năm vì nhu cầu tiêu dùng quốc tế tăng. Theo các chuyên gia kinh tế, 1 năm nhìn lại thấy nông sản Việt đang có bước chuyển mình rõ nét tại thị trường nước ngoài. Nhiều sản phẩm có mặt ở thị trường khó tính. Với mặt hàng nông sản xuất khẩu, dư địa còn rất lớn. Lý do là hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương đang chờ nông sản Việt khai thác thị trường. Ví dụ, hiệp định thương mại Việt Nam - EU dự kiến thực thi vào năm 2019. Đây là một hiệp định quan trọng, chiếm tới 19% lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi các dòng thuế quan dần về 0%. Trong đó, mặt hàng nông sản đang là một trong những mặt hàng chủ lực vào thị trường này. Tương tự, tại thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam ở mức cao, đạt 311 triệu USD. Theo kế hoạch, đến năm 2020 nông sản xuất khẩu vào thị trường này đạt 500 triệu USD, phấn đấu đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch, cho rằng: “Mặc dù Nhật Bản được liệt kê là một trong những thị trường khó tính, tuy nhiên với sự nỗ lực lớn nông sản Việt từng bước thâm nhập thị trường này. DN đang kỳ vọng lớn về hoạt động xuất khẩu nông sản trong thời gian tới”.

Nông sản Việt tiến sâu vào thị trường ngoại - 1

Rau quả Việt không ngừng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở các nước.

Tăng sức cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả

Đánh giá cao nỗ lực đưa nông sản vào thị trường các nước, song không ít ý kiến cho rằng, nông sản Việt cần xem lại chất lượng, giá cả để tăng khả năng cạnh tranh. Ông Yuichiro Shiotani - Tổng giám đốc Công ty TNHH AeonTopvalu Việt Nam cho hay, xoài Việt Nam đã có mặt ở Nhật để cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philipines, Pakistan, Mexico…“Xoài Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản lựa chọn nhiều. Tuy nhiên, mặt hàng này có hai điểm yếu là về giá và chất lượng. Giá xoài Việt đang cao hơn xoài một số nước. Độ ngọt thiếu tính ổn định” - ông Yuichiro Shiotani cho hay.

Đại diện DN nhập khẩu Nhật Bản cho rằng, muốn trái xoài Việt Nam có chỗ đứng ở thị trường Nhật Bản, DN Việt phải tìm hiểu kỹ thị trường Nhật để biết sản phẩm tương tự có chất lượng, giá cả như thế nào. Từ đó, DN sẽ quyết định việc cải thiện chất lượng sản phẩm, kiểm soát giá bán cho phù hợp.

Liên quan đến chất lượng hàng xuất khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh khẳng định: “Tiêu chuẩn cho hàng hóa vào thị trường các nước rất rõ ràng nhưng DN chậm tuân thủ. Yêu cầu đặt ra, sản xuất ngày nào, lô nào, ai làm, ai đảm bảo chất lượng? Theo tôi, xuất khẩu ổn định phải có hệ sinh thái sạch. Đặc biệt, nông dân, hợp tác xã, hiệp hội cần liên kết lại tạo sự phát triển bền vững hơn về chất lẫn lượng”.

Ông Nguyễn Huy – đại diện Công ty Bureau Veritas nhìn nhận, thời gian tới nông sản dễ dàng vào thị trường các nước thông qua chính sách hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, mở cửa nhưng có kiểm soát chặt về chất lượng, chắc chắn sẽ có nhiều quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm ra đời. Trong đó, quy định chứng minh nguồn gốc thực phẩm thông qua hình thức từ trang trại đến kệ bán hàng. Muốn phát triển thị trường đòi hỏi DN phải tuân thủ đúng.

Theo các chuyên gia, rất nhiều thị trường khó tính với hàng loạt quy định và tiêu chuẩn khắt khe như: Chất lượng, nguồn gốc, hồ sơ phải có tiêu chuẩn thỏa đáng, trước đó phải làm việc với nhà cung cấp… Bà Marieke Van De Pijl – đại diện của Eurocham từng thống kê, năm 2017 EU có 77 cảnh báo đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 23 lô bị từ chối. Mấy tháng đầu năm 2018, EU tiếp tục từ chối 11 lô hàng trong tổng số 33 lô hàng bị cảnh báo. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã bị cấm một số sản phẩm vào thị trường EU vì sản phẩm tồn dư chất kháng sinh, kim loại nặng…

Thanh Giang