Kịp thời thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt
Ngày 13/12, Đoàn công tác số 3 của Trung ương do ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ông Phan Đình Trạc cho rằng, thời gian gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến, song cũng còn không ít tồn tại, hạn chế rất rõ. Thời gian gần đây cũng có những chuyển biến tương đối rõ nét trong thu hồi tài sản nhưng nhìn lại tổng thể các vụ án về tham nhũng, kinh tế thì tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt thất thoát vẫn còn rất thấp. Mục đích cao nhất trong các vụ án kinh tế, tham nhũng không phải chỉ là tù tội mà điều quan trọng nhất là thu hồi được các tài sản bị chiếm đoạt, khắc phục được hậu quả thiệt hại.
Theo ông Trạc, Ban chỉ đạo tính toán rất kỹ trong năm 2018 nên chọn lĩnh vực nào, lúc đầu có tính chọn lĩnh vực BOT, BT nhưng BOT hay BT thì thanh tra, kiểm toán đã rà soát nhiều. Cho nên Ban chỉ đạo không vào nữa mà chọn lĩnh vực thu hồi tài sản. Lĩnh vực này lâu nay cũng có giám sát của các cơ quan dân cử nhưng mức độ sâu để đáp ứng nhu cầu thì chưa đạt.
Qua theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, ông Trạc nhìn nhận: Hoạt động ngân hàng, tín dụng là lĩnh vực đặc thù do đó quy định của pháp luật cũng quy định riêng cho lĩnh vực này, nhưng đồng thời là lĩnh vực có nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu chúng ta không nắm vững, không dám làm mạnh thì không thúc đẩy được phát triển. Thời gian qua có nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng tín dụng nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản không cao, còn rất nhiều vướng mắc.
Trên cơ sở đó, ông Trạc đề nghị, ngành ngân hàng cần phối hợp đi sâu từ thực tiễn của mình, từ những vụ án trong thời gian qua, từ vấp váp thiếu sót, thậm chí sai phạm của cán bộ công chức ngân hàng để rút ra vấn đề từ thực tiễn. Từ đó có kiến nghị chính sách vĩ mô như các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đây mới là điều quan trọng nhất. Thứ hai, dám và có bản lĩnh để chứng minh được hoạt động ngân hàng là đúng, dám bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp, bảo vệ cái đúng của cán bộ công chức ngân hàng. Nếu chỉ thấy các vụ án như thế mà “thụt lại” thì không đạt yêu cầu.
“Trước hết là nếu có vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thì làm sao thu hồi được cao nhất, kịp thời nhất tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Thứ hai, để làm cho tất cả mọi người, trước hết là cơ quan tố tụng hiểu sâu về lĩnh vực đặc thù của ngân hàng tín dụng để có cái nhìn biện chứng, không hình sự hóa nhưng cũng có đặc thù riêng” - ông Trạc nêu rõ.