Quảng Nam: Bất an tại mỏ vàng Bồng Miêu
Như Đại Đoàn Kết đã thông tin, tại hội nghị các chủ nợ của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu (CTYVBM) đóng tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết phá sản đối với doanh nghiệp này. Thế nhưng không hẳn chỉ là những khoản nợ khó đòi mà thậm chí địa phương đang đối diện với những vấn đề còn nặng nề hơn.
Một lần truy quét vàng tặc tại Bồng Miêu.
Cửa vào mỏ chính của CTYVBM đáng ra phải đóng từ năm 2016 và hoàn thổ một số diện tích đất rừng, đất khai khoáng, thế nhưng đến nay Công ty này vẫn không thực hiện. Hầm hố đường vào lò vẫn còn nguyên hiện trạng có thể sập bất cứ lúc nào. Càng nguy hiểm khi nơi đây hàng ngày vẫn có nhiều người tự ý vào bên trong khai thác, mót vàng, mặc cho nguy hiểm rình rập. Xung quanh khu vực mỏ có rất nhiều lán trại khai thác vàng trái phép ngang nhiên hoạt động. Vì thế những dòng suối có màu vàng đục ngầu đang hàng ngày đổ vào dòng sông Bồng Miêu.
Ông Nguyễn Tâm người dân địa phương cho biết: “Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra quanh năm. Nhưng từ khi CTYVBM dừng hoạt động thì càng đáng lo ngại. Người dân chúng tôi rất bất an”.
Một người dân đang mót vàng trước cửa hầm của khu vực mỏ vàng Bồng Miêu cho biết: “Chúng tôi không có rừng ở khu vực này nên tập trung tại bãi tập kết quặng trước đây của CTYVBM để mót những gì còn sót lại kiếm ngày vài trăm nghìn để sống. Còn trên khu vực những cánh rừng trồng keo lá tràm của một số hộ dân địa phương, các chủ rừng tự ý cho đào bới để khai thác vàng mới khủng. Nguy hiểm hơn có những người đem cả máy móc vào chính khu vực CTYVBM khai thác trước đây để làm”.
Thế nhưng, qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Thạnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh và Thượng tá Lê Hữu Hoa, Trưởng Công an huyện cho biết, chưa nắm được sự việc trên. Ông Thạnh chỉ cho biết: “Việc CTYVBM có công văn gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rút lực lượng bảo vệ của đơn vị tại khu vực cửa lò Núi Kẽm, bàn giao cho lực lượng chức năng địa phương đảm bảo ANTT. Doanh nghiệp làm vậy chẳng khác nào đá trách nhiệm về cho địa phương. Quan điểm của huyện là chỉ nhận bàn giao về đảm bảo ANTT, không để dân vào khai thác khoáng sản trái phép. Còn cơ sở hạ tầng, tài sản, Công ty phải có trách nhiệm quản lý. Đến nay doanh nghiệp cũng chưa xây dựng phương án đóng cửa mỏ, chưa hoàn thổ tại khu vực Núi Kẽm theo đúng quy định của pháp luật”.
Một cửa vào hầm lò như cái bẫy giết người tại mỏ vàng Bồng Miêu.
Thực tế mỏ vàng Bồng Miêu đã hết hạn cấp phép khai thác từ năm 2016, nhưng hơn 20 cửa mỏ lớn, nhỏ không hoàn thổ; hàng trăm héc ta đất thiếu người bảo vệ, vàng tặc ngày đêm dựng lán trại khai thác trên sườn núi. Theo chính quyền xã Tam Lãnh, chưa nói nợ thuế, nợ doanh nghiệp, khi CTYVBM bỏ đi vẫn còn nợ hơn 4 tỷ đồng tiền bảo hiểm của 50 công nhân công ty là người địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thắng, một trong những công nhân trước đây của CTYVBM cho biết: “Việc mỏ vàng đóng cửa, người lao động bị thiệt hại. Tất cả số tiền được trả chỉ đến năm 2016 thôi chứ còn lại không có nữa, kể cả tiền bảo hiểm của công nhân cũng không được trả”.
Còn ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc khai thác vàng của CTYVBM đã để lại một hệ lụy rất lớn trong vấn đề ô nhiễm môi trường. Họ cũng không hoàn thổ trả lại đất cho dân và nhiều vấn đề liên luỵ khác như tình hình an ninh xảy ra phức tạp trên địa bàn. Hiện nay, một số diện tích của công ty chưa hoàn thổ người dân đã tự ý vào lấn chiếm trồng rừng càng gây mất trật tự an ninh trên địa bàn”.
Được biết, CTYVBM hoạt động từ năm 1997 tại mỏ vàng có trữ lượng lớn thuộc hàng bậc nhất ở Việt Nam. Vì mỏ vàng có công suất 500 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 88%. Theo Tập đoàn Besra (chủ đầu tư của CTYVBM), thời điểm trước năm 2014 tại mỏ vàng này sản xuất đạt trung bình từ 60.000 đến 70.000 ounce/năm (1ounce khoảng 0,83 lượng vàng). Hơn 20 năm khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu, Công ty đã lấy đi hàng chục tấn vàng, nhưng cuối cùng hậu quả để lại tỉnh Quảng Nam phải nỗ lực để giải quyết.
Bây giờ sự huy hoàng không còn nữa, tại mỏ vàng các máy móc còn lại như những đống sắt vụn, được định giá thanh lý 302 tỷ đồng trong tổng số nợ hơn 1.250 tỷ đồng của Công ty này cùng với đó là nỗi lo mất trật tự an ninh.
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, muốn lập lại trật tự ở nơi đây thì phải xây dựng phương án đóng cửa mỏ, vừa đảm bảo an toàn và cần làm thủ tục để lựa chọn một nhà đầu tư khác có năng lực để vào kế thừa tiếp tục thực hiện dự án này thay CTYVBM.