Sử dụng rác tái chế làm phân vi sinh

Minh Phú 14/12/2018 09:00

Hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn hàng ngày nhưng người tiêu dùng vẫn phải lựa chọn mua thực phẩm tại các khu chợ với lý do thói quen, tập quán, sự tiện lợi, giá cả phù hợp với túi tiền. Đi kèm với đó là vấn đề rác thải hữu cơ tại các gia đình chưa được xử lý đúng cách.

Sử dụng rác tái chế làm phân vi sinh

Phụ nữ phường Bồ Đề, Quận Long Biên, Hà Nội tham gia câu lạc bộ tái chế rác làm phân vi sinh, trồng rau sạch tại nhà.

Nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, mô hình sử dụng rác tái chế để bảo vệ môi trường đã được thí điểm tại quận Long Biên, Ba Đình và Hà Đông (Hà Nội) đã được hình thành. Đây là Dự án thuộc kinh phí bảo vệ môi trường thường xuyên của Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do Viện Nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu và môi trường thực hiện.

Bà Trần Việt Hoa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Long Biên cho biết: Vấn đề cần rất đáng lo ngại hiện nay là rác thải, nhất là rác thải các hộ gia đình. Dự án Sử dụng rác tái chế làm phân vi sinh bảo vệ môi trường hướng tới thay đổi nhận thức của người dân về hạn chế vứt rác thải sinh hoạt vào môi trường. Đặc biệt là rác thải hữu cơ, một lượng lớn rác thải hàng ngày do quá trình sinh hoạt của các hộ gia đình thải ra. Phương pháp tái chế rác thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp tạo phân vi sinh trồng rau và cây cảnh tại hộ gia đình. Quận Long Biên được chọn làm mô hình điểm và phường Bồ Đề đã chọn 40 hộ chị em phụ nữ tham gia và kết hợp với hội phụ nữ phường tập hợp các hội viên tham gia câu lạc bộ trồng rau sạch tại nhà.

“Chúng tôi phát động nhóm sống xanh vì một Long Biên xanh sạch đẹp, chúng tôi có triển khai sạch từ trong nhà ra ngõ, vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi tham gia tập huấn trang bị kiến thức cách làm thùng phân vi sinh, thành lập CLB thu gom rác thái tái chế thành phân để nhân rộng để trồng rau, hay phân loại rác có thể tái chế thu gom được như: vỏ chai, giấy để bán lấy tiền mua cây giống hay dụng cụ làm việc cho các nhóm sống xanh sử dụng”- chị Nguyễn Thảo Nguyên, thành viên nhóm sống xanh đã chia sẻ.

Nhóm Sống xanh tại phường Bồ Đề, quận Long Biên thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia. Mỗi nhóm gồm 12- 15 hội viên cùng nhau tham gia trồng rau tại ven sông để cải thiện thực phẩm cho chính gia đình từng thành viên và ngoài ra giúp đỡ hỗ trợ các thành viên khác có hoàn cảnh khó khăn.

Được triển khai từ tháng 8/2018, đến nay sau 4 tháng thực hiện, Dự án rác tái chế ủ thành phân vi sinh bảo vệ môi trường đã thu hút được các hội viên tham gia nhiệt tình, kỹ thuật ủ phân của dự án phù hợp với các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình ở phố, diện tích bé không có đất sản xuất, dễ thực hiện và ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Điều này đã có sức lan tỏa mạnh mẽ giúp môi trường tốt hơn, gắn kết chị em phụ nữ trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bảo vệ môi trường.

Minh Phú