Chủ động kiểm soát dịch HIV/AIDS
Theo nhận định của TS Robert R.Redfield- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Y tế: Thành tựu điều trị HIV ở Việt Nam hiện có thể sánh với Hoa Kỳ. Những đánh giá này đã ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc phòng chống dịch HIV/AIDS suốt thời gian qua.
Ảnh minh họa.
Chi trả BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS
Theo đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hiệp quốc. Đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng virus ở mức thấp.
Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã chuyển đổi thành công mô hình điều trị ARV chủ yếu dựa vào viện trợ sang điều trị ARV do BHYT chi trả. Cho đến nay đã có 89% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ BHYT; đấu thầu thành công gói thầu cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT cho 190 cơ sở điều trị HIV/AIDS; đảm bảo các điều kiện để thực hiện điều trị ARV do quỹ bảo hiểm chi trả từ ngày 1/1/2019 và chuyển giao dần đến năm 2020 đảm bảo quỹ BHYT chiếm tỉ trọng tới 80% bệnh nhân điều trị ARV.
Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Y tế, TS Robert R.Redfield nhận định, Việt Nam đã ức chế được tải lượng virus HIV rất cao so với thế giới và thành tựu điều trị HIV ở Việt Nam có thể sánh với Hoa Kỳ. Còn theo bà Ritu Singh- Giám đốc Chương trình Y tế thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID): Việt Nam hiện là quốc gia đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus hơn 93%. Đây là một kết quả tuyệt vời, bởi nếu người bệnh đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì khả năng lây nhiễm virus ra cộng đồng là bằng không.
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới,... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.
Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm.
Theo TS Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, một trong những thách thức lớn nhất của việc ứng phó với dịch HIV/AIDS là dịch tiềm ẩn. Đối với các loại dịch khác, chỉ trong vòng một vài tuần là có triệu chứng, dễ dàng xác định được người mắc và nguồn lây. Nhưng với HIV, thời gian ủ bệnh kéo dài 5-10 năm mà không có triệu chứng khiến người nhiễm HIV không biết về tình trạng của mình, không thực hiện các biện pháp dự phòng cho người thân, cộng đồng.
Hiện việc xét nghiệm đã được mở rộng nhưng nhóm dân số gặp nguy cơ cao như nhóm quan hệ tình dục đồng giới không an toàn, mại dâm, tiêm chích ma túy… đều ngại, không muốn xét nghiệm. Chúng ta cần cung cấp thông tin, hướng dẫn họ đi xét nghiệm, thay đổi suy nghĩ “lỡ dính HIV thì chết”. Thực tế người nhiễm vẫn có thể chung sống với HIV khỏe mạnh nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng thuốc ARV. Khi tải lượng virus ở dưới ngưỡng phát hiện, họ sẽ không có khả năng lây cho người khác nữa.