Tầm quan trọng của việc điều chỉnh Khu Kinh tế mở Chu Lai
Khi văn bản phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai vừa ký ban hành xong, đã có rất nhiều cuộc điện thoại của nhà đầu tư đề nghị tuần sau vào làm thủ tục đầu tư.
Khu Công nghiệp Bắc Chu Lai.
Ngày 14/12, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1737/QĐ-TTg, ngày 13/12/2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là một quyết định hết sức quan trọng, để Khu Kinh tế mở Chu Lai càng phát huy hiệu quả.
Theo ông Diện, từ khi thành lập năm 2003 nhưng đến năm 2010 Khu Kinh tế mở Chu Lai còn rất khó khăn, đến năm 2012- 2013 mới bắt đầu định hình được. Từ đó, BQL đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất đưa Khu Kinh tế mở Chu Lai vào 1 trong những nhóm Khu kinh tế trọng điểm và được Chính phủ thống nhất tập trung đầu tư cho nên giai đoạn 2013-2015 có nguồn lực đầu tư hạ tầng khu kết nối, mở toang Chu Lai gắn với Hội An qua đường ven biển - cầu Cửa Đại, rồi đầu tư giao thông từ đường quốc lộ cho đến các khu chức năng, từ cảng đến cao tốc, sân bay.
Thực tế thì trước đây quy hoạch đưa ra là trung tâm tài chính, ngân hàng thương mại tự do nhưng không có ai đầu tư, còn bây giờ khi xác định 6 nhóm khu kinh tế trọng điểm đã có nhà đầu tư, ví dụ như: Ô tô Trường Hải có Thaco, khu du lịch, dịch vụ phía nam Hội An thì có tập đoàn Vingroup;… với đầu tư 4 tỷ USD, rồi công nghiệp dệt may có PanKo, hiệp hội dệt may Hàn Quốc đầu tư cho đến sân bay đã được nâng cấp, khai thác tăng tiến, tăng chuyến; cảng cá, khu vực sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần, nuôi trồng chế biến thủy sản để phục vụ ngư dân, phục vụ an nhân...
“Đáng chú ý, năm 2018 thì Khu Kinh tế mở Chu Lai đóng góp đến 65% ngân sách tỉnh và đưa Quảng Nam vượt đến gần với tầng trên. Từ cái mô hình này chúng tôi đã rà soát lại hết lại toàn bộ vùng đông và đề xuất lập đề án điều chỉnh lựa chọn 6 nhóm khu kinh tế trọng điểm lấy Trường Hải là động lực quan trọng nhất, khả thi đã có nhà đầu tư”.
Bản quy hoạch chi tiết điều chỉnh Khu Kinh tế mở Chu Lai.
Theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg, phạm vi lập quy hoạch có diện tích khoảng 27.040 ha. Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển biển Việt Nam, trong đó tập trung xây dựng Khu kinh tế là trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, logistics và sản xuất nông nghiệp của vùng và khu vực, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Đây sẽ là Khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, trung tâm khí - điện, hàng không, sản phẩm hóa dầu, công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao...
Không chỉ vậy, khu kinh tế còn là là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng.
Theo ông Diện thì sự điều chỉnh này là vừa giảm vừa tăng một. Bởi có đến 8.000 ha nhưng trong suốt 15 năm 8.000 ha đó mới được đầu tư có 1 ha nên đề nghị giảm. Nhưng đồng thời đề nghị tăng 8.000 ha. 8.000 ha này vừa quy hoạch vừa ký hôm nay đã đủ các nhà đầu tư. Ví dụ mở rộng các xã ở huyện Thăng Bình 2.000 ha phát triển du lịch đã có đủ các nhà đầu tư đăng ký hết. 3.000 ha công nghiệp hiện nay cũng đã đã đăng ký xong.
“Tất cả các vùng đất này nhà đầu tư đang chờ quy hoạch, báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy để cho triển khai làm các thủ tục đầu tư”.
Đây là khu kinh tế ven biển đầu tiên đề nghị điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Quy mô dân số hiện trạng Khu Kinh tế mở Chu Lai là 128.094 người, dự báo sơ bộ quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 550.000 - 600.000 người.
“Đáng mừng, khi văn bản mới vừa ký ban hành xong, đã có rất nhiều cuộc điện thoại của nhà đầu tư đề nghị tuần sau vào làm thủ tục đầu tư. Nói như vậy đủ thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh KKT lần này” - ông Diện khẳng định.