Đồng bằng sông Cửu Long: Cần xây dựng một cảng lớn

N.Hiếu 16/12/2018 08:00

Trước thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều yếu kém, xuống cấp, chưa kết nối lưu thông đồng bộ và cả 13 tỉnh chưa có một cảng nước sâu trung chuyển hàng tạo động lực phát triển cho cả vùng.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh trong khu vực để tìm hướng tháo gỡ “điểm thắt” giao thông cho toàn vùng.

ĐBSCL hiện có 4 phương thức vận tải là đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không. Theo thống kê, hoạt động vận tải hàng hoá của vùng ĐBSCL đạt 131,7 triệu tấn hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,2%/năm trong giai đoạn 2010-2017. Vận tải hàng hóa bằng đường thủy là chủ đạo chiếm 70%; vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 30%.

Đối với hoạt động vận tải hành khách, vùng ĐBSCL đạt 707,7 triệu lượt người trong năm 2017, tăng trưởng bình quân 3,4% /năm giai đoạn 2010-2017. Vận tải hành khách đường bộ là chủ yếu chiếm 83,4%; vận tải hành khách đường thủy nội địa chiếm 16,6%. Về vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách đối với đường hàng không trong khu vực ĐBSCL hiện còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực với khoảng 19 triệu dân và lượng hàng hóa khá lớn.

Để phát triển mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL được thông suốt, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển về lâu dài, cần phải ưu tiên kêu gọi đầu tư đối với các dự án có tính kết nối, lan tỏa. Đáng chú ý, ĐBSCL có tổng chiều dài đường thủy lên tới hơn 14.826km, toàn vùng có tới 57 cảng thuỷ nội địa và 3.988 bến thuỷ nội địa. Tuy nhiên, trên 85% các cảng tập trung phân tán, manh mún; phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn năm, chưa có bến gom hàng cho các cảng thuỷ nội địa lớn trong vùng.

Vì vậy, quan điểm của Bộ GTVT cũng như các địa phương ĐBSCL là cần có một cảng lớn cho cả vùng; trong đó, việc lập điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng là cảng biển loại IA, cảng biển cửa ngõ cho khu vực ĐBSCL với bến cảng chính là cảng Trần Đề, đáp ứng cho tàu trên 100.000 DWT phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa cho vùng là hợp lý và cần thiết.

N.Hiếu