Lo ngại bệnh không lây nhiễm

Minh Hạnh 16/12/2018 08:30

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Kinh nghiệm trên thế giới và thực tế mô hình bệnh tật ở nước ta cho thấy, việc quản lý, điều trị cho người mắc các bệnh không lây nhiễm tại y tế tuyến cơ sở hết sức quan trọng.

Lo ngại bệnh không lây nhiễm

Chuẩn hóa tuyến y tế cơ sở là diều cần thiết.

Tỷ lệ tử vong cao

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp… đang là nguyên nhân khiến khoảng 380 nghìn người tử vong mỗi năm, chiếm 73% tổng số người chết mỗi năm (khoảng 520 nghìn người). Trong đó, bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm ghi nhận phổ biến nhất ở Việt Nam. Đây được coi là kẻ “giết người số một” với hơn 30% số ca tử vong trên cả nước.

Trong đó, bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường là nguyên nhân quan trọng gây các bệnh về tim mạch. Ðáng lo ngại là hiện nay, nước ta có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp và khoảng 3 triệu người mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, hiện số người được chẩn đoán bệnh đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 đến 69 tuổi mới đạt 31,1%, bệnh tăng huyết áp là 43,1%. Đặc biệt, số người được quản lý tại các cơ sở y tế về bệnh đái tháo đường mới đạt 28,9% và bệnh tăng huyết áp là 13,6%..., mặc dù có đến 70% số người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện là mắc các bệnh không lây nhiễm.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Y tế cho biết, mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng tình trạng gia tăng căn bệnh này tại Việt Nam vẫn ở mức báo động. Theo ông Tiến, vẫn còn 45% nam giới hút thuốc lá, 77% nam giới uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...

Theo Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc các bệnh không lây nhiễm tử vong cao trong thời gian qua là do các dịch vụ phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý, duy trì, tư vấn, truyền thông về các bệnh không lây nhiễm còn hạn chế, số lượng bệnh nhân được quản lý bệnh còn ít, quy định về bảo hiểm y tế chưa đồng bộ giữa việc chi trả đối với người bệnh, cơ chế tài chính chưa khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động này ở tuyến xã…

Vì sao người dân thờ ơ?

Cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã/phường, trong đó hơn 87% trạm có bác sĩ và 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Tuy nhiên, y tế cơ sở đang tồn tại nhiều hạn chế yếu kém về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Trong khi đó, người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) rất thờ ơ với y tế cơ sở và thường xuyên vượt tuyến khám chữa bệnh. Đây là những vấn đề được đặt ra tại nhiều hội nghị về việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo tính toán của ngành Y tế, hiện nay có khoảng 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. Đặc biệt có đến 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã, nhất là việc quản lý và theo dõi cấp phát thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, y tế cơ sở hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức về chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nói chung và cho người có thẻ bảo hiểm y tế nói riêng. Nguyên nhân là do y tế cơ sở còn hạn chế về nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng; các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế; nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo...

Phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị TW 6 (khóa XII) đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Ðến năm 2030, phấn đấu hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Đối với việc gắn y học gia đình tại tuyến y tế cơ sở đang được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh, thành, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, từ năm 2019, Bộ sẽ triển khai lắp đặt hệ thống y tế từ xa tại 26 trạm này nhằm kết nối các trạm y tế với các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến tỉnh, Sở y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương và Bộ Y tế. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần thực hiện khẩn trương việc lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân của người dân, đẩy mạnh việc theo dõi, điều trị các bệnh không lây nhiễm, mạn tính đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng.

Theo TS Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), ước tính đến hết 30/6/2018, cả nước có 81,59 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ 86,9%, đạt 101,6% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Bộ đã ban hành Thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh và 241 loại thuốc mà trạm y tế tuyến xã phải cung cấp được (không phải là mức tối đa được cung cấp mà là mức tối thiểu phải cung cấp). Đồng thời, Bộ Y tế có Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018-2020 và Hướng dẫn triển khai Mô hình điểm trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, Bộ đã lựa chọn và tổ chức các đoàn do các lãnh đạo Bộ trực tiếp khảo sát tại 26 trạm y tế xã, phường của 8 tỉnh, thành phố. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện mô hình 26 trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước.

* Bộ Y tế đã và đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phát huy vai trò bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình trong thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy để bảo đảm người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường khi các cơ sở y tế tuyến trên kê đơn điều trị, sẽ được tiếp tục tiếp cận các thuốc này tại cơ sở tuyến huyện và trạm y tế xã.

Minh Hạnh