Thế hệ khắc khổ ở Hy Lạp
Khi năm học mới năm nay bắt đầu ở Hy Lạp, học sinh trở lại trường học trong ngày đầu tiên và xếp hàng theo cấp lớp. Nhưng khi một người mẹ đưa con tới để xếp vào cấp lớp đầu tiên, bà ngạc nhiên: “Những đứa trẻ khác đâu hết rồi?”.
Dù rất mong có con, nhưng cô giáo Bersou không thể với mức lương ít ỏi hiện tại. Nguồn: AP.
Trường lớp vắng học sinh
“Tôi rất ngạc nhiên khi có quá ít học sinh lớp 1”- bà Vasso Harisiadi, cho hay - “Tôi đã nghĩ rằng sân trường phải đầy học sinh”.
Những phòng học lớp 1 thiếu vắng học sinh tại Trường tiểu học Kalpaki đã phản ánh tình trạng nhân khẩu học đáng buồn ở Hy Lạp.
Trong năm 2018, chỉ có 13 trẻ em nhập học lớp 1. Hàng chục trường học đã phải đóng cửa. Ngày càng có nhiều bậc phụ huynh không muốn có thêm con - bởi họ bị thất nghiệp hoặc làm ra quá ít tiền để có thể cho con đi học.
“Ở thời điểm hiện tại, tôi thậm chí còn không dám sinh con”- Maria Bersou, một giáo viên 33 tuổi tại Trường Kalpaki, người có thu nhập 18.000 USD/năm, nói - “Tôi không thể có nổi một khoản tiết kiệm”.
Mãi cho đến mới đây, nền kinh tế Hy Lạp mới thoát được kiếp đi vay mượn tiền cứu trợ từ châu Âu, nhưng đất nước này lại bắt đầu đối mặt với một giai đoạn hiểm họa mới: Một thời kỳ suy giảm trẻ em, có thể khiến Hy Lạp suy yếu trong nhiều năm tới đây.
Trong khoảng thời gian khủng hoảng tệ hại nhất ở Hy Lạp, bắt đầu từ cuối năm 2009 và trở nên tồi tệ hơn vào năm 2011 và những năm sau đó, tỷ lệ sinh đẻ ở nước này đã giảm mạnh. Thêm vào đó, Hy Lạp cũng chứng kiến nửa triệu người dân từ bỏ đất nước để tìm nơi sống mới, rất nhiều trong số này là các bậc cha mẹ trẻ tuổi. Dù Hy Lạp là nước “tiền tuyến” tiếp nhận người di cư đến từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhưng phần lớn là những người mới đến và sau lại di chuyển sang các khu vực khác của châu Âu - bởi vậy không thể bù được lượng dân số đã mất đi.
Như một hậu quả, Hy Lạp giờ sản sinh ra một thế hệ trẻ tuổi phải sống trong một thời kỳ suy yếu của đất nước.
“Những đứa trẻ không hề biết rằng chúng tôi đã từng sống tốt như thế nào”- Sotiria Papigioti, mẹ của một học sinh lớp 2 ở Trường Kalpaki, nói - “Con tôi thường đòi mua thứ này, thứ nọ...và tôi phải nói rằng chúng tôi không có tiền để mua chúng”.
Chrysa Papigioti ngồi giữa lớp học vắng người tại Trường tiểu học Kalpaki.
Không dám sinh con
Tỷ lệ sinh đẻ của Hy Lạp, ở mức 1,35/phụ nữ, thuộc hàng thấp nhất ở châu Âu, và dưới mức 2,1/phụ nữ cần thiết để có cộng đồng dân cư ổn định, chưa tính người nhập cư. Tỷ lệ sinh đẻ ở Hy Lạp thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế từng đạt 1,5/phụ nữ vào năm 2008, mức khá cao. Nhưng sau đó theo chiều hướng giảm dần khi kinh tế khó khăn.
Cũng do tình trạng kinh tế khó khăn mà các bậc cha mẹ trẻ tuổi đang phải đối mặt, số lượng trẻ em sinh ra ở Hy Lạp còn giảm xuống mức thấp kỷ lục. Năm 2009, tức ngay trước giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất, cả năm chỉ có 117.933 đứa trẻ được sinh ra ở nước này.
Con số đó còn giảm dần theo các năm. Tổng số trẻ em được sinh ra trong năm 2017 là 88.553 em, mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận.
Một số quốc gia sau khi vượt qua khủng hoảng có tỷ lệ sinh đẻ được phục hồi. Nhưng điều đó khó xảy ra ở Hy Lạp, bởi ngay cả trước khủng hoảng thì phụ nữ nước này cũng hiếm khi sinh đẻ trước tuổi 31. Một số phụ nữ không muốn sinh đẻ trong thời kỳ khủng hoảng, giờ đã vĩnh viễn mất đi khả năng sinh con. Hậu quả là, cuộc khủng hoảng vừa qua đã vĩnh viễn làm giảm số lượng thế hệ trẻ tuổi nhất của Hy Lạp, gây hậu quả dài hạn.
Nền kinh tế Hy Lạp hiện nay chỉ bằng 3/4 quy mô mà nó có được cách đây 1 thập kỷ, và trong vòng 6 thập kỷ tới, Văn phòng Thống kê châu Âu dự báo rằng dân số 10,7 triệu người của Hy Lạp sẽ giảm 32%.
Đối với người dân Hy Lạp, sự thay đổi đột biến về nhân khẩu học này có thể cảm nhận được trên toàn lãnh thổ.
Ở nhiều quán cà phê trên khắp thủ đô Athens, những người phụ nữ ở độ tuổi 30 không có con cái vẫn phàn nàn về việc họ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để sinh con, nhất là sự thiếu thốn các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Ở các khu vực nông thôn, các cặp đôi mới cưới nói rằng dù có dám sinh con, họ cũng không thể tìm được bác sỹ, bởi phần lớn họ đã ra nước ngoài sống.
Stefanos Chandakas- bác sỹ phụ khoa đã thành lập một tổ chức phi chính phủ nhằm giúp đỡ phụ nữ sắp sinh, nói rằng bà từng chứng kiến trên một hòn đảo có dân số 1.000 người, không có bất cứ một đứa trẻ nào được sinh ra trong suốt 3 năm liền - khoảng thời gian khủng hoảng tồi tệ nhất.
“Chúng tôi còn chụp được nhiều hình ảnh từ hòn đảo này. Người dân trên đó tham dự các buổi tuần hành lớn, và chỉ có duy nhất 1 đứa trẻ mang theo cờ”- bác sỹ Chandakas nói.
Những đứa trẻ cần tuổi thơ
Trở lại Trường tiểu học Kalpaki, một dãy nhà 2 tầng nằm trên tuyến phố chính của vùng núi đồi phía Tây Bắc Hy Lạp, khung cảnh vắng vẻ không khác gì thời điểm mà trường mới mở vào năm 1996. Buổi học sáng bắt đầu bằng lễ cầu nguyện. Trẻ em chơi bóng đá trong giờ nghỉ. Các bậc cha mẹ cho hay ngôi trường đã rất cố gắng sống sót trong những năm gần đây, dù liên tục phải cắt giảm lương và giảm chi tiếu đến 30%. Hiệu trưởng trường Kalpaki cho hay, họ vẫn còn may mắn chán: Không giống như các ngôi trường khác, họ không phải tắt hệ thống sưởi ấm cho học sinh.
Tuy nhiên, sự biến động nhân khẩu học đã để lại dấu ấn rõ rệt với ngôi trường này, và cả cuộc sống của trẻ em. Cách đây 20 năm, ngôi trường có 100 học sinh. Ngày nay, do các trường lân cận phải đóng cửa, họ tiếp nhận được học sinh từ khu vực rộng lớn hơn. Thế nhưng tổng lượng học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 6 chỉ là 70. Trong nhóm này, 20 học sinh là người thiểu số Albania chuyển tới Hy Lạp từ trước cuộc khủng hoảng. 20 học sinh khác thuộc gia đình người nhập cư Syria mới chuyển tới, đang chờ nhận được diện tị nạn.
Cô Bersou- giáo viên tại trường, cho hay học sinh đến dự lớp học của bà đến từ các hộ gia đình mà ít nhất có cha hoặc mẹ còn có được một công việc ổn định - như cảnh sát, nông dân, công nhân làm việc ở nhà máy đóng chai. Các gia đình này thuộc nhóm vẫn có khả năng tài chính để sinh con. Một số các bậc phụ huynh này đã ở độ tuổi 40, và nói rằng họ không thể chờ đến khi kinh tế nước nhà được cải thiện mới sinh con.
Cô Bersou cũng đang chờ cơ hội để có đứa con của riêng mình - điều mà cô nói là rất mong muốn. Cô đang sống ở thành phố lân cận, cách 30 phút đi xe hơi, nơi mà cô xây dựng một cuộc sống khá tạm bợ: Một căn phòng chung cư một giường, và chỉ có vài người bạn. Cha mẹ cô - những người có khối tài sản tiết kiệm suy giảm ghê gớm trong thời kỳ khủng hoảng - vẫn cố gắng hỗ trợ cô khoản chi phí đi lại và tiền trả điện thoại. Và với tư cách một công dân Hy Lạp trẻ tuổi, Bersou đang chờ đợi một làn gió mới tốt lành.
“Tình trạng hiện nay ảnh hưởng tới tâm lý chúng tôi rất nhiều”- Bersou nói - “Nhiều năm qua đi, và chúng tôi sẽ đặt ra câu hỏi: Tôi đã làm được gì cho cuộc sống của mình?”.
Bersou cố gắng vượt qua tâm lý đó bằng công việc giảng dạy trên lớp học. Bằng tiền tiết kiệm ít ỏi của mình, cô mua giấy bìa và phiếu thưởng cho những em học sinh của mình tập làm các sản phẩm nghệ thuật. Trong năm nay, cô nhận dạy 2 lớp: Một là lớp học gồm 3 học sinh lớp 1 người Syria; lớp còn lại là 10 em người Syria.
Một trong số những học sinh trầm lặng nhất trong lớp của Bersou là Chrysa Papigioti, một cô bé thích vẽ và muốn trở thành bác sỹ thú y. Chrysa sống ở một ngôi làng cách trường 10 dặm. Cha của em không ở nhà nhiều do công việc của một nhân viên bán tour du lịch - công việc duy nhất mà ông có thể kiếm được sau một khoảng thời gian dài bị thất nghiệp.
Chrysa và người em trai nhỏ tuổi của mình không bao giờ được phép xem tin tức, bởi mẹ của cô nói rằng bà không muốn con cái mình biết về tình trạng khó khăn của đất nước. Chúng không cần phải biết về những khoản cắt giảm lương mà bà phải hứng chịu khi làm sỹ quan cảnh sát, hay khoản nợ lớn mà gia đình đang gánh.
“Những đứa trẻ không cần phải biết về mọi thứ”- bà Papigioti nói - “Tôi không muốn chúng có suy nghĩ tiêu cực. Tôi muốn chúng có tuổi thơ”.
* Một số quốc gia sau khi vượt qua khủng hoảng có tỷ lệ sinh đẻ được phục hồi. Nhưng điều đó khó xảy ra ở Hy Lạp, bởi ngay cả trước khủng hoảng thì phụ nữ nước này cũng hiếm khi sinh đẻ trước tuổi 31. Một số phụ nữ không muốn sinh đẻ trong thời kỳ khủng hoảng, giờ đã vĩnh viễn mất đi khả năng sinh con. Hậu quả là, cuộc khủng hoảng vừa qua đã vĩnh viễn làm giảm số lượng thế hệ trẻ tuổi nhất của Hy Lạp, gây hậu quả dài hạn.