Giảm áp lực cho giáo viên: Không dễ!
Chỉ ra được nguyên nhân, cũng như giải pháp khắc phục, nhưng không dễ thực hiện - đó cũng chính là những băn khoăn sau hội thảo “Áp lực giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” được Trường ĐH Sư phạm tổ chức mới đây. Theo chia sẻ của các giáo viên, một trong những áp lực lớn nhất mà họ đang phải đối mặt chính là kỳ vọng từ phía phụ huynh; cùng với đó là thành tích thi đua.
Giảm áp lực từ thành tích - mỗi ngày đi học sẽ ý nghĩa hơn với học sinh và giáo viên. Ảnh: Minh Quang.
Áp lực từ nhiều phía
GS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu vấn đề: Giáo dục là lĩnh vực được toàn xã hội, từng gia đình, từng cá nhân quan tâm sát sao và ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng toàn diện. Chính vì vậy mà dù một hiện tượng rất nhỏ xảy ra trong môi trường học đường cũng có tác động rộng lớn trong toàn xã hội. Điều đáng nói là mỗi hiện tượng bất thường xảy ra thì có cách nhìn rất khác nhau, tạo nên các luồng ý kiến, thậm chí là phán xét nhiều chiều, nhất là trong thời kỳ phát triển của công nghệ số, mạng xã hội.
Cô giáo Phan Thị Hồ Điệp- Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Giáo viên hiện chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh. Các ông bố mà mẹ thường đặt kỳ vọng quá cao vào con em mình, can thiệp quá sâu vào đời sống học đường, dạy con theo lối độc đoán, uy quyền… khiến con sợ hãi khi đến trường, sợ cô giáo, sợ bài tập, sợ bị kiểm tra, hoặc có hành vi gây hấn với bạn bè… Rõ ràng ít nhiều họ chính là nguyên nhân tạo áp lực nên con cái họ và giáo viên.
Tiếp sau áp lực của phụ huynh, giáo viên hôm nay còn đối mặt với áp lực từ chính học sinh của họ. Đây là những tâm sự của cô giáo Hoàng Phương Ngọc - Trường THCS Cầu Giấy- Hà Nội. Theo cô Ngọc: Bên cạnh những học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn thì còn có những học sinh chỉ học tập ở mức trung bình. Nếu giáo viên dạy ở mức quá cao các em lại không hiểu. Có những em cá biệt về tính cách, về hoàn cảnh.Trong một lớp học với nhiều trình độ học sinh, nhiều đặc điểm riêng như vậy, giáo viên chịu nhiều áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu riêng của từng đối tượng, vừa phải có kiến thức, vừa phải tâm lý, và phải đối mặt với nhiều tình huống sư phạm. Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn phải như chuyên gia tâm lý, lại phải như cha mẹ các em.
Trên thực tế, nhà giáo hôm nay đang phải chịu nhiều áp lực. Điều đáng nói, đó là áp lực từ chính đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục. Theo phân tích của các thày cô giáo: theo thời gian, vai trò của người thầy đã có sự thay đổi đáng kể, phương pháp học tập đã thay đổi và học sinh đã được tiếp cận được với nhiều nguồn kiến thức hơn, qua nhiều kênh như sách vở, thông tin truyền thông hoặc các lớp đào tạo từ xa. Người thầy không chỉ truyền thụ tri thức cho học sinh, còn học sinh không chỉ đơn giản là người nhận tri thức từ người thầy nữa mà còn từ nhiều nguồn. Học sinh bây giờ biết tìm đến những bài học hay trên mạng, được mô tả cụ thể và dễ hiểu hơn so với bài giảng của thầy mình rất nhiều.
Trước một xã hội đang có rất nhiều thay đổi, có những chuần mực mới đã và đang được hình thành, người thầy không thể cứ dựa vào những chuẩn mực cũ. Bởi vấn đề bây giờ không chỉ đơn thuần là kiến thức, mà là sự hiểu biết, tiếp cận, khả năng nhận biết. Liệu khi lên lớp, thầy đã biết được nhiều thông tin hơn trò hay chưa? Vì thế, vấn đề ở đây không phải là thầy biết nhiều hơn, mà là thầy làm sao để làm chủ tình huống đó. Thầy muốn làm chủ, thầy phải chủ động, tiếp cận được nhiều cái mới của xã hội trong khi điều kiện của nhà trường còn hạn hẹp. Yêu cầu đó đòi hỏi thầy phải nỗ lực nhiều hơn.
Giảm bệnh thành tích
Những vụ bạo hành xảy ra trong trường học gần đây, đều ít nhiều có liên quan tới bệnh thành tích trong giáo dục, đến danh hiệu của trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài việc giữ gìn môi trường học đường văn minh, ứng xử có văn hóa, thì chung quy lại điểm số vẫn là kỳ vọng của cả người học, phụ huynh và các giáo viên.
Vậy có thể giảm bệnh thành tích được không? Câu hỏi này không dễ trả lời. Bởi không ai không muốn con em mình đạt điểm thấp; không giáo viên nào đứng lớp mà lại không muốn học sinh lớp mình có điểm số thấp, hay tập thể lớp đứng cuối bảng xếp hạng thi đua của nhà trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội cho rằng: Mục tiêu của giáo dục phổ thông phải thay đổi, cần hướng tới mục tiêu chính là dạy người, không chạy theo thành tích điểm số. Hiện ở cấp Tiểu học đã có Thông tư 22 về đánh giá học sinh rất đúng, bỏ đánh giá nặng về điểm số. Tuy nhiên, cấp THCS và THPT chưa làm được điều đó. Chúng ta dán tem, dán nhãn sớm quá lên mỗi cá nhân khi xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu kém. Nếu là học sinh yếu kém thì cả đời vẫn mang nhãn dán yếu kém đó. Các nước không làm như vậy, mỗi học sinh có một điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Phải thay đổi cơ chế gây ra áp lực với giáo viên chính là ở chỗ đó.
Cụ thể hơn, theo TS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội, một trong những giải pháp để giảm áp lực cho giáo viên đó là xây dựng văn hóa tổ chức trong nhà trường. Theo đó, tất cả các thành viên trong nhà trường cùng nhau tạo nên các các giá trị vật chất và tinh thần, được thể hiện qua hình ảnh của giáo viên, nhân viên, học sinh và bầu không khí đặc trưng của nhà trường.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GDĐT cần có các giải pháp sâu xa hơn. Giải pháp đó là phải đặt yếu tố đặc thù nghề nghiệp trong tuyển chọn sinh viên sư phạm để chọn được người yêu nghề, yêu trẻ. Trường sư phạm cũng phải tăng thời lượng để rèn đạo đức nhà giáo cho sinh viên, rèn cách xử lý cách tình huống sư phạm. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy phải bồi dưỡng giáo viên thường xuyên với những buổi bồi dưỡng, tập huấn thực chất chứ không chỉ hình thức như hiện nay. Ngoài ra, cơ chế đãi ngộ cũng phải đảm bảo để giáo viên có thể đảm bảo cuộc sống, chuyên tâm với nghề.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, thời gian tới ngành giáo dục sẽ có những giải pháp căn cơ để từng bước giải tỏa áp lực cho giáo viên, đặc biệt, các giải pháp cần nhận được sự đồng thuân, ủng hộ của giáo viên mới có thể thành công.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Giáo viên chịu áp lực nhưng không thể vì thế mà đi ngược lại chuẩn mực đạo đức, những trường hợp này cần kiên quyết xử lý; đồng thời không thể vì những trường hợp cá biệt đó mà đánh giá toàn bộ lực lượng giáo viên. Trách nhiệm của ngành giáo dục là động viên, khuyến khích, bảo vệ những thầy cô làm tốt, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.