Huy động hợp lý các khoản vay
Theo giới chuyên gia, cần tận dụng hợp lý nguồn vốn ODA còn lại trong giai đoạn này để tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm; đồng thời cần hạn chế huy động các khoản vay không đủ điều kiện ODA, có lãi suất cao để cân đối đầu tư công.
Ông Hoàng Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế trung ương cho rằng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với ngân hàng quốc doanh, tổ chức tài chính Nhà nước và các DNNN khác phải dựa trên cơ sở thương mại thuần túy. Chính phủ không bảo lãnh cho các DNNN trong các khoản vay trong và ngoài nước. Bên cạnh đó,tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đơn giản hóa và hợp lý hóa thông lệ hoạt động và khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, nợ nước ngoài của các DN theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến trong 2 năm trở lại đây đã là một vấn đê nóng được đưa ra bàn thảo nhiều lần. Tuy các khoản nợ tự vay, tự trả nước ngoài của DN, tổ chức tín dụng không thuộc phạm vi nợ công, song đây là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia và có ảnh hưởng quan trọng trong đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia. Dù công tác quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian qua, song cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới do cân đối ngân sách còn khó khăn.
Ông Rodrigo Cabral - Chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cần xây dựng lộ trình dài hạn về cải cách công tác quản lý nợ công để làm sao công tác quản lý nợ công được minh bạch, hiệu quả, phù hợp.
“Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra tầm nhìn dài hạn để công tác quản lý nợ của Việt Nam tiệm cận thông lệ tốt của quốc tế. Chẳng hạn như quản trị nợ công như nào, quản lý nợ Chính phủ ra làm sao, quản lý nợ chính quyền địa phương như thế nào” – ông Cabral nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nước vay nhiều ODA sang nước tiếp cận các nguồn vay có tính chất thị trường nhiều hơn. Do vậy, cần phải nâng cao ăng lực để tiếp tục thực hiện công tác quản lý nợ công, huy động vốn vay nợ công cho hiệu quả.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, một điểm quan trọng bậc nhất là phải tập trung phát triển thị trường vốn trong nước, trong đó cụ thể là phải bắt đầu bằng việc phát triển thị trường trái phiếu để đảm bảo nguồn huy động vốn tin cậy, ổn định.