Đầu tư ra nước ngoài tìm cơ hội mới
Bên cạnh sự sôi động của việc tăng khai thác thị trường trong nước, nhiều ngân hàng thời gian gần đây cũng vươn ra nước ngoài để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, khuyến cáo của giới chuyên gia, cho thấy cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh rủi ro.
Nhiều ngân hàng thương mại đã mạnh dạn tìm cơ hội ở nước ngoài.
Sôi động hướng ngoại
Tháng 9/2011, VietinBank mở chi nhánh tại Đức. Sau đó ngân hàng này khai thác thêm nhiều thị trường quốc tế khác như Lào, Myanmar. Tính sơ bộ, Vietinbank mở 2 chi nhánh tại Đức, một văn phòng đại diện tại Myanmar và 1 ngân hàng 100% vốn tại Lào.
Trong khi đó BIDV được biết đến là ngân hàng tiên phong đầu tư ra nước ngoài. Hiện BIDV có ngân hàng con và văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar, Lào, Séc, Nga và Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài ngân hàng con tại Lào, Vietcombank còn có văn phòng đại diện tại Paris (Pháp), Moscow (Nga), Singapore và Công ty tài chính VINAFICO tại Hongkong (Trung Quốc).
Ngoài các “ông lớn” này, các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đã nối gót đầu tư sang Lào và Campuchia. 2 quốc gia này trở thành thị trường ưa chuộng các ngân hàng Việt muốn hiện diện. Chỉ riêng Lào đã có 6 ngân hàng Việt đặt chi nhánh, đó là Viettinbank , Vietcombank, MB, SHB, BIDV, Sacombank.
Việc mở rộng phát triển của các ngân hàng cũng phù hợp với Quyết định 986 của Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 có ít nhất 2 - 3 ngân hàng Việt nằm trong top 100 ngân hàng châu Á về tổng tài sản và có 3 - 5 ngân hàng niêm yết ở sàn chứng khoán nước ngoài.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, việc mở rộng mạng lưới hoạt động sang các nước trong khu vực đang nằm trong chiến lược phát triển. Trong đó, đại diện Vietcombank cho biết, dự kiến trong thời gian tới, ngân hàng này sẽ mở chi nhánh tại Australia và văn phòng đại diện tại Mỹ.
Điều đáng mừng hơn là nhiều ngân hàng cũng đã gặt hái được thành quả tại các thị trường ngoại quốc. Chẳng hạn như trong năm 2017, lợi nhuận ngân hàng con của VietinBank ở Lào đạt 4,33 triệu USD (97,8 tỷ đồng), hoàn thành 103% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Hay như Sacombank tại Campuchia tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017 khoảng gần 40 tỷ đồng. Các ngân hàng con của SHB ở nước ngoài trong năm 2017 cũng mang về 192 tỷ đồng, bằng 10% tổng lợi nhuận trước thuế của nhà băng này…
Những khuyến nghị cần lưu ý
Trong Hội thảo “Cơ hội và thách thức trong việc mở rộng hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các NHTM” do Viện Chiến lược ngân hàng phối hợp Học viện Ngân hàng tổ chức, TS Nguyễn Thị Hiền- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, nhiều NHTM đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty con… ở nước ngoài, nhiều nhất là ở thị trường khu vực Đông Dương. Bên cạnh đó, nhiều NHTM còn tìm kiếm địa bàn hoạt động ở những nước phù hợp với tiêu chuẩn và nguồn lực của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như vậy, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các NHTM vẫn còn thách thức như sự cạnh tranh trong môi trường quốc tế tương đối cao, điều này đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải chuẩn bị tốt các phương án cho hoạt động của mình, đảm bảo hoạt động ổn định, lành mạnh và hiệu quả.
Hơn thế nữa, chi phí hoạt động ở nước ngoài cũng tốn kém, nếu ngân hàng không chuẩn bị tốt phương án về vốn, có thể sẽ bị ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của ngân hàng. Cho vay nước ngoài cũng có thể rủi ro vì việc tiếp cận đầy đủ thông tin cũng có phần khó khăn hơn so với trong nước, hay khó khăn vì hoạt động chủ yếu dựa vào vốn của ngân hàng mẹ, nguồn vốn huy động từ thị trường nước bản địa còn nhỏ.
TS Bùi Tín Nghị- Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, ngân hàng cần xây dựng chiến lược đầu tư trực tiếp ra nước ngoài như lựa chọn cách tiếp cận thị trường mục tiêu; lựa chọn đối tượng khách hàng và sản phẩm cung cấp; quản trị rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài.
Bản thân NHTM cần chủ động tìm hiểu nguồn luật của quốc gia được đầu tư, hệ thống hóa các văn bản quy định về đầu tư; tìm hiểu quy định pháp lý về hoạt động ngân hàng tại quốc gia được đầu tư; chủ động kết nối với các ngân hàng địa phương tìm hiểu thể chế chính trị, đặc thù khu vực; NHNN cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ NHTM thiết lập mối quan hệ với quốc gia được đầu tư.
TS Nghị cũng cho rằng, cần nghiên cứu khả năng liên kết, sáp nhập và chuyển nhượng với các đối tác và các NHTM trong nước nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức mạnh cạnh tranh; đầu tư phát triển mạng lưới chi nhánh, ATM, đầu tư phát triển công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực; xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu gắn liền nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an ninh hệ thống; tích cực xây dựng mạng lưới khách hàng thông qua các hình thức bán chéo; Chú trọng nâng cao công tác quản lý và năng lực cán bộ; tận dụng khoảng trống về cung cấp dịch vụ ngân hàng để phát triển sản phẩm mới.
Đặc biệt, theo khuyến nghị của giới chuyên gia, cần tăng cường các biện pháp giám sát ngành tài chính; tăng cường tương tác với ngân hàng mẹ; xây dựng bộ phận chuyên trách đánh giá rủi ro từng quốc gia; hợp tác chặt chẽ nhằm trao đổi thông tin với Ngân hàng Trung ương nước sở tại; tiếp tục theo dõi những rủi ro cũ và tìm ra công cụ mới để đối phó với sự biến động; thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và đưa ra bài học cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các NHTM; xây dựng và hoàn thiện các công cụ mới đưa vào hệ thống ngân hàng; NHNN đóng vai trò đầu mối tổ chức thành lập các Hiệp hội Ngân hàng đang kinh doanh tại nước ngoài và tại từng thị trường; kết hợp với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước thành lập các liên danh quản lý tài chính và kiểm soát nội bộ…