NTK Minh Hạnh và áo dài Việt Nam được tôn vinh tại Nhật Bản, Nga
Chiếc áo dài đã trở thành biểu trưng đặc sắc nhất của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. thông qua những cuộc biểu diễn tại Pháp, Ý, Nhật Bản, Anh quốc, Mỹ... Mới đây, NTK Minh Hạnh tiếp tục diễn thuyết về áo dài tại Nhật Bản và giảng dạy về áo dài tại Nga.
Diễn thuyết áo dài tại Nhật Bản
Tháng 11/2018, áo dài lại được xuất hiện tại Nhật Bản, không chỉ là một cuộc biểu diễn thông thường mà chính là Áo dài được giới thiệu một cách mạch lạc với sự phát triển qua nhiều thế kỷ. Unesco Nhật Bản đã gửi lời mời đến nhà thiết kế Minh Hạnh (là người được trao tặng giải thưởng danh giá Culture and Art tại Fukuoka năm 2016).
NTK Minh Hạnh diễn thuyết tại Nhật Bản.
Cuộc diễn thuyết về áo dài thu hút nhiều đối tượng tham dự. Họ là những người phụ trách về văn hóa nghệ thuật của tỉnh Fukuoka, là những người nghiên cứu về văn hóa Phương Đông, những nhà giáo và những nghệ sỹ.
Nhà thiết kế Minh Hạnh đã dẫn dắt câu chuyện về áo dài được phát triển theo sự phát triển của đất nước. Trong nhiều giai đoạn lịch sử, chưa bao giờ người Việt quên lãng và mỗi thời đại, áo dài lại khoác lên mình một hình ảnh mới phù hợp với đời sống của người Việt Nam. Áo dài đã được xuất hiện với tính hàn lâm vốn có và cũng rất sang trọng mà thân thiện như chính bản chất của chiếc áo dài. Không có một loại áo truyền thống nào lại được phát triển mạnh mẽ và trở nên phổ biến đến như vậy.
Hoa hậu Ngọc Hân trong bộ áo dài mang tinh thần của Nam Phương Hoàng Hậu, phong cách áo dài cuối thế kỷ 19.
Giờ đây, áo dài truyền thống không còn xa lạ với thế giới mà đã trở thành một chiếc áo phổ biến trong đời sống thường nhật. Tất cả mọi lứa tuổi, cả nam và nữ đều mong muốn có một chiếc áo dài trong những ngày trọng đại, lễ tết.
Trong buổi diễn thuyết còn có Hoa hậu Ngọc Hân, người mẫu Kim Dung, Thủy Tiên tham dự để diễn đạt những chiếc áo dài qua các thời kỳ.
Hoa hậu Ngọc Hân trong bộ áo dài Le Mur.
Quán quân Next top model Kim Dung trong bộ áo dài thập niên 60 do bà Trần Lệ Xuân sáng tác.
Quán quân Next top model Kim Dung trong bộ áo dài bằng vải Kimono có tuổi đời hơn 100 năm.
Người đẹp nhân ái Thủy tiên trong chiếc áo dài vải may Uchikake (loại vải may áo cuối của Nhật Bản).
Giảng dạy về áo dài tại Moscow
Đây là lần đầu tiên, một buổi thỉnh giảng về áo dài tại trường Đại học Tổng hợp ngôn ngữ quốc gia Moscow được diễn ra trong không khí lạnh buốt của mùa đông nước Nga.
Trong một khán phòng vừa đủ cho sinh viên khoa tiếng Việt của 4 trường đại học tại Moscow, những cô sinh viên cũng chính là những người mẫu minh họa cho buổi thỉnh giảng này. Được hỏi lý do vì sao NTK Minh Hạnh lại qua nước Nga để nói chuyện về áo dài, NTK Minh Hạnh nói say sưa về tình yêu nước Nga, về âm nhạc của Nga, về múa, về kiến trúc, về con người và một nền văn hóa vĩ đại mà chỉ được nghe và đọc qua sách báo.
Một học sinh Nga và NTK Minh Hạnh.
Điều quan trọng hơn là cho đến giờ này, tại một đất nước xa xôi như thế mà vẫn còn có 4 trường đại học danh tiếng dạy khoa tiếng Việt. Chỉ cần như vậy thôi cũng đủ để ngưỡng mộ một đất nước vẫn kiên trì với mối quan hệ Việt Nam.
Sau buổi thỉnh giảng, Bảo tàng quốc gia về Văn hóa Phương Đông gởi lời mời đến Nhà thiết kế Minh Hạnh về sự kiện áo dài vào tháng 6/2019 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng.
Nói một cách khác, Áo dài đã lan tỏa bằng chính vẻ đẹp tự thân thông qua cái nhìn sáng tạo của NTK Minh Hạnh. Kiên định trên con đường phát triển thời trang Việt Nam bằng văn hóa, NTK Minh Hạnh vẫn luôn tạo ra những bước tiếp nối bất ngò, và nước Nga chính là điểm đến quan trọng và đầy hấp lực trong năm 2019.
Một học sinh khoa tiếng Việt đang trình diễn áo dài thổ cẩm.
Cô giáo dạy tiếng Việt Elena và các học sinh khoa tiếng Việt mặc áo dài.