Phát hiện thêm một công trình Phật giáo cổ
Các nhà khảo cổ học công tác tại Viện Nghiên cứu kinh thành thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam vừa phối hợp với Trường Đại học Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa công bố kết quả khai quật khảo cổ học tại núi Am Các, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá).
Qua kết quả khai quật, thảm sát tại 6 hố, trên diện tích gần 543 m2, các nhà khảo cổ bước đầu đưa kết luận, niên đại chùa Am Các là công trình Phật giáo cổ xưa nhất ở Nam xứ Thanh.
Dấu tích của một trung tâm Phật giáo cổ xưa.
Báo cáo kết quả từ cuộc khai quật cho thấy có rất nhiều hiện vật quý đã được phát hiện. Được biết, từ tháng 8/2018, đoàn chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh thành phối hợp với Trường ĐH Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tiến hành khai quật khảo khổ học tại khu vực chùa và núi Am Các trên diện tích 523m2, chia làm 4 hố khai quật và 2 hố thám sát. Sau 50 ngày làm việc, đoàn khai quật phát hiện được 7 di tích kiến trúc, 3 lò nung gạch ngói.
Di tích kiến trúc bao gồm: Kè đá, bó nền kiến trúc bằng đá và nền kiến trúc. Di tích lò nung bào gồm: lò nung gạch và lò nung ngói. Về di vật: Số lượng di vật nhiều nhất được phát hiện là vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc như gạch, ngói, đá, tượng, phù điêu rồng, đầu đao. Đồ gia dụng được phát hiện không nhiều bằng chất liệu gốm, sành, đất nung…
Nói về kết quả cuộc khai quật, PGS.TS Tống Trung Tín- Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Các di tích, di vật phát hiện tại các hố khai quật, thám sát đều ở vị trí các dấu tích nền móng phế tích của chùa Am Các xưa. Đây là cơ sở để xác định vị trí, hình dung về một cụm công trình kiến trúc Phật giáo tại Am Các từ xa xưa. Nhiều khả năng, Am Các xưa là một ngôi chùa bao gồm các tòa ngang dãy dọc, quy mô lớn, có bộ mái với những đầu đao cong vút, mềm mại, các phù điêu, tượng rồng, diềm mái khắc chìm nhiều đồ án hoa văn… Am Các có thể là một trong những trung tâm tôn giáo lớn ở khu vực phía Nam Thanh Hóa.
Khu di tích danh thắng Am Các được chia thành 2 thời kỳ: Thời kỳ nhà Trần, thế kỷ 14 và thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 18, các hiện vật thời Lê sơ khá mờ nhạt. Tại buổi công bố kết quả sơ bộ tổ chức ngày 16/12, các nhà khoa học đã đề xuất tỉnh Thanh Hóa, huyện Tĩnh Gia tiếp tục quan tâm để mở tiếp một đợt khai quật thứ 2 nhằm đánh giá đầy đủ hơn giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích danh thắng Am Các. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để địa phương lập quy hoạch chi tiết, từ đó kêu gọi đầu tư, trùng tu tôn tạo, xây dựng mới các công trình kiến trúc Phật giáo đúng với các giá trị văn hóa vốn có của nó.