Quảng Nam: Tỉnh ‘tạm cấm’ xuất nhập khẩu gỗ, DN lo bị phá sản
Mới đây hàng loạt doanh nghiệp khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ bên Lào đã gửi đơn đến nhiều cơ quan báo chí trong đó có Đại Đoàn Kết để kêu cứu vì bị cấm vận chuyển gỗ qua cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Đơn kêu cứu của các doanh nghiệp.
Tại Văn bản số 149/TB-UBND do ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam nay là Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, thừa lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 8/5/2018, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu tại cuộc họp giao ban thường kỳ ngày 2/5/2018 rằng: “Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14D, UBND tỉnh Quảng Nam tạm dừng việc xuất, nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Đắc Ốc, huyện Nam Giang. Giao Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh lập thủ tục báo cáo Trung ương theo đúng quy định; Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh, UBND huyện Nam Giang và các Sở, ngành liên quan thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan biết và thực hiện”.
Trước sự việc này, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Đinh Văn Thu cho rằng: “Thực tế việc tạm cấm vận chuyển gỗ là do hạ tầng giao thông qua cửa khẩu Đắc Ốc huyện Nam Giang xuống cấp trầm trọng, tỉnh cũng đã báo cáo với Chính phủ về tình trạng con đường này, cho nên giờ phải hạn chế và tạm cấm, đồng thời tiếp tục báo cáo Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo”.
Thế nhưng doanh nghiệp cho rằng, việc cấm này đã đưa họ vào thế điêu đứng. Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí, gần chục doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện việc mua bán, xuất nhập khẩu gỗ trên địa bàn Lào cho rằng các hợp đồng gỗ họ đã ký với các đối tác bên Lào trước thông báo của UBND tỉnh. Bây giờ hàng ngàn khối gỗ hợp pháp bị ách tắc không vận chuyển được thì doanh nghiệp phải làm thế nào?.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện các Công ty TNHH Hùng Đệ, Công ty TNHH Tiến Dũng Gia Lai, Công ty TNHH An Khang Phước, Công ty TNHH MTV XNK Lâm Sản Hằng Phát, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Ninh, Công ty TNHH Đức Nam… là những doanh nghiệp mua bán xuất khẩu gỗ hợp pháp từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Nam Giang xác nhận đã đồng loạt làm đơn kêu cứu.
Đại diện 1 doanh nghiệp cho biết, thông báo này ra đời một cách đột xuất khiến hoạt động công ty điêu đứng, các hợp đồng xuất nhập khẩu gỗ ký trước đó đột ngột bị dừng lại, hàng hóa không được lưu thông, gỗ để lâu ngày xuống cấp, hư hỏng, người lao động bỗng trở nên không có công ăn việc làm, không thu hồi được vốn để trả nợ ngân hàng. “Doanh nghiệp chúng tôi đứng bên bờ phá sản”, ông này nói.
Trong đơn, các doanh nghiệp cũng cho rằng, lý do UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra để “tạm cấm” không phù hợp với Nghị định số 112 của Chính phủ về thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại của khẩu biên giới. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ có thể quyết định việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh không quá 24 giờ.
Các doanh nghiệp cũng băng khoăn, giá như UBND tỉnh cho chúng tôi lộ trình để giải quyết những số gỗ hợp pháp bị tồn đọng bên Lào thì tốt hơn.
“Gỗ của chúng tôi có hợp đồng hợp pháp chứ không phải buôn bán lậu. Còn nói đường hư hỏng, nếu chúng tôi chở vượt quy định thì lực lượng chức năng có quyền kiểm tra và bắt giữ”- một doanh nghiệp cho biết.