Tăng cường nhân lực chất lượng y tế cơ sở
Cùng với chủ trương đưa bác sĩ trẻ về cơ sở, một trong những giải pháp mà Bộ Y tế sẽ thực hiện trong năm 2019 là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho y tế tuyến dưới, đồng thời luân chuyển cán bộ y tế từ các bệnh viện Trung ương về bệnh viện tuyến dưới và các trạm y tế.
Y tế cơ sở là mắt xích quan trọng của hệ thống y tế.
Đưa bác sĩ trẻ về cơ sở
Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là mục tiêu mà ngành y tế đang hướng tới. Mục tiêu này bao gồm toàn bộ các dịch vụ thiết yếu trong suốt cuộc đời- từ nâng cao sức khoẻ đến phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ.
Một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này là việc đưa bác sĩ giỏi về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mới đây nhất, Bộ Y tế đã bàn giao 14 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa 3, lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I trong tổng số 300 bác sĩ đã, đang được đào tạo tại Trường ĐH Y Hà Nội về công tác tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong khuôn khổ dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”.
Đây được xem là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng, xã hội.
Hiện Bộ Y tế cũng đang xem xét xây dựng văn bản quy định trách nhiệm với cộng đồng của các bác sĩ trẻ tình nguyện. Theo đó, các bác sĩ trẻ trước khi được tuyển dụng, bổ nhiệm cần có thời gian công tác, cống hiến tại các vùng khó khăn để trải nghiệm, phát huy sức trẻ, hoài bão, năng lực, phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, nơi có bác sĩ tình nguyện về công tác phối hợp chặt chẽ với Bộ xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút, duy trì, tạo động lực cho cán bộ, nhân viên y tế làm việc có chất lượng, hiệu quả, thu hút cán bộ có trình độ cao về công tác.
Trước đó, Bộ Y tế quyết định triển khai Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện từ tháng 2/2013 nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 ngành y tế sẽ đưa hơn 300 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo cần nhân lực chăm sóc sức khỏe.
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Trước những bất cập của tuyến y tế cơ sở lâu nay, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh Dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách y tế (HPET), triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ cho đội chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến y tế cơ sở. Đội chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến y tế cơ sở bao gồm bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và dược tá đều được tập huấn một cách đồng bộ theo ê kíp và liên tục.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhằm tăng cường đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ. Theo đó, bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương về giúp năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh giúp cho tuyến huyện, tuyến huyện giúp cho trạm y tế xã.
Theo Bộ Y tế, với các trạm y tế chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm... Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP HCM về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn 2018-2020 cho 4 tỉnh phía Bắc gồm huyện Bát Xát, Lào Cai; huyện Trấn Yên, Yên Bái; huyện Ba Vì, Đan Phượng, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hà Nội và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
* Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản,…