Bổ sung iốt vào thực phẩm: Không nên chậm trễ
Báo cáo mới nhất của mạng lưới iốt toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu iốt tồi tệ nhất thế giới. Chính vì vậy cần phải đưa quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP vào đời sống.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, Trung tâm phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hoạt động khám điều tra bướu cổ cho khoảng 6.000 học sinh từ 8 – 10 trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, tỷ lệ học sinh mắc bệnh bướu cổ có chiều hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là chế độ ăn thiếu i ốt.
Không riêng gì Bắc Ninh, báo cáo gần đây của Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Việt Nam đang nằm trong số những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của việc thiếu iốt.
Để bảo đảm sức khỏe cho thế hệ mai sau, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, theo đó, muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt. Việc ban hành quy định này được cộng đồng quốc tế cũng như các chuyên gia đánh giá khá cao. Và kỳ vọng đây sẽ là hành lang pháp lý để việc bổ sung vi chất vào thực phẩm được thực hiện từ đó hạn chế gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến doanh nghiệp cho rằng quy định trên làm “khó” và yêu cầu kiến nghị sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/01/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm .
Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam Lê Danh Tuyên, báo cáo của mạng lưới iốt toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu iốt tồi tệ nhất thế giới. Trong số 130 quốc gia quy định bắt buộc bổ sung iốt muối thì có 69 quốc gia yêu cầu sử dụng muối iốt cho thực phẩm chế biến. Do đó việc ban hành Nghị định 09 phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về một chiến lược có hiệu quả cao với chi phí thấp giúp phòng ngừa và kiểm soát thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
“Tăng cường vi chất vào thực phẩm thì có giá thành thấp, nhưng mang lại lợi ích lớn. Nhà nước không phải chi phí để mua vi chất hay thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng cho người dân. Còn doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc đảm bảo cung cấp đủ vi chất cho người tiêu dùng. Do đó cần có hành lang pháp luật để vi chất dinh dưỡng được tăng cường”- TS Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.
Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng, ở Việt Nam, phần lớn nguồn muối và bột mì được tiêu thụ là từ thực phẩm chế biến và bữa ăn ngoài gia đình. Do đó, việc bổ sung vi chất vào thực phẩm như Nghị định 09 quy định không phải là rào cản đối với hoạt động kinh doanh và ngành công nghiệp thực phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội xin miễn trừ những trường hợp hãn hữu khi chứng minh được có các tác động tiêu cực đến sản phẩm hoặc doanh thu cuối cùng của họ. Việc bắt buộc bổ sung vi chất vào muối, bột mì và dầu ăn là những biện pháp quan trọng giúp thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW mới đây của Trung ương Đảng để nâng cao sức khỏe nhân dân.