Thiếu hụt nhân lực chuyên ngành gây mê hồi sức
Trong 2 ngày (19-20/12), tại Trường ĐH Y Hà Nội , Hội Gây mê - Hồi sức Việt Nam và đối tác đã tổ chức Diễn đàn Gây mê châu Á lần thứ 9. Đây là lần đầu tiên, Diễn đàn này được tổ chức tại Việt Nam và tại Trường ĐH Y Hà Nội.
Tại Diễn đàn, bên cạnh các bài giảng và trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia về gây mê hồi sức với các đại biểu còn có các trao đổi về các ca bệnh lâm sàng và thực hành các kỹ thuật mới về gây mê hồi sức.
Theo nhận định tại diễn đàn: Nhân lực y tế chuyên môn cao trong lĩnh vực gây mê hồi sức tại Việt Nam đang thực sự là 1 thách thức khi số lượng đang ít hơn so với các nước trong khu vực tới 3-4 lần.
Cụ thể, theo số liệu của Hội Gây mê – Hồi sức Việt Nam, số lượng bác sĩ gây mê trên toàn quốc ước tính là khoảng 1.000 người, chiếm tỷ lệ trên dân số là 1/96.491. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Singapore (1/24.748) và Phillipines (1/28.118). Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Việt Đức, với 50 phòng mổ nhưng chỉ có 40 bác sĩ gây mê hồi sức. “Như vậy là rất ít”- GS.TS Nguyễn Quốc Kính- Phó Chủ tịch thường trực Hội Gây mê - Hồi sức, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Việt Đức cho hay. Theo ông Kính, cản trở thứ nhất đó là động lực để người ta xin vào khoa gây mê hôi sức. Gây mê hồi sức rất khó, học rất lâu (10-11 năm) và những động lực khác cũng không có nhiều bằng những chuyên khoa khác.
Trong khi ở nước ngoài, gây mê hồi sức là một ngành được rất nhiều người ưa chuộng gần như là hàng đầu. Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, gây mê hồi sức là chuyên ngành sâu, một trong các chuyên ngành được đào tạo dài nhất tại các nước trên thế giới; để trở thành 1 bác sĩ gây mê hồi sức sẽ mất khoảng 10-14 năm học tập. Dẫu thế, khó khăn lớn nhất là người học không thể “thí nghiệm” trên người bệnh. Do đó, nhu cầu được trang bị những phòng đào tạo mô phỏng là thiết thực nhất.
Để giải quyết những vấn đề khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực gây mê hồi sức, nhiều chuyên gia y tế cho rằng cần có sự vào cuộc của xã hội, đặc biệt là sự kết hợp, hỗ trợ của các doanh nghiệp chứ không chỉ trách nhiệm của riêng ngành y tế. GS.TS Nguyễn Quốc Kính cũng chia sẻ: Nhận định được tầm quan trọng của phòng đào tạo mô phỏng, đã có 2 bệnh viện hợp tác cùng doanh nghiệp thành lập phòng đào tạo mô phỏng đặt tại bệnh viện. Đó là Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM. Sau 2 năm thành lập, đến nay 2 Bệnh viện này đã đón nhận khoảng 400 học viên (thuộc nhiều đối tượng như kỹ thuật viên, sinh viên định hướng, sinh viên gây mê hồi sức năm cuối, bác sĩ trẻ) đến thực hành. Đó là những bước khởi đầu tốt đẹp trong đào tạo nguồn nhân lực gây mê hồi sức.