Ứng dụng công nghệ thông tin trong BHXH: Doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi
Thay vì mất hàng giờ doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) làm thủ tục thì nay chỉ tiêu tốn 10 phút kê khai BHXH điện tử. Số giờ giao dịch từ 81 giờ giao dịch hằng năm hiện nay rút xuống còn 45 giờ/năm. Đây là những tiện ích mà DN và người dân được hưởng nhờ sự nỗ lực trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mà ngành BHXH đã áp dụng trong năm 2018.
Doanh nghiệp và người dân được hưởng nhiều lợi ích khi ngành BHXH đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT.
Nhiều tiện ích
Để có được kết quả trên, thời gian qua, ngành BHXH đã nỗ lực không ngừng nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, với quan điểm cải cách thủ tục hành chính gắn liền với hoàn thiện chế độ, chính sách, đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.
Là một địa phương trong ngành BHXH có số thu, số chi và quản lý đối tượng lớn, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, hiện nay BHXH Hà Nội đang phục vụ khoảng 6,5 triệu người có thẻ BHYT; trên 1,7 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT bắt buộc và chi trả hằng tháng cho khoảng 560.000 người hưởng lương hưu.
“Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 200 cơ sở khám chữa bệnh, ký hợp đồng khám chữa bệnh. Toàn bộ số thu, số chi, đối tượng phục vụ về BHXH, BHYT của Hà Nội rất là lớn. Nếu không có ứng dụng CNTT, hợp lý hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ và quản lý thì chắc chắn chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ”- ông Thuật khẳng định.
Cũng theo Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, đến nay, BHXH Hà Nội đã triển khai tất cả ứng dụng CNTT của ngành. Ngoài ra, còn quản lý thêm phần mềm một cửa điện tử, quản lý các loại hồ sơ (hồ sơ giấy, hồ sơ điện tử) từ khi phát sinh, đến lúc giải quyết xong và chuyển về cho người dân. Bên cạnh đó, đến nay BHXH Hà Nội đang thực hiện thí điểm dịch vụ công mức độ 4. Mục tiêu đến năm 2019, Hà Nội sẽ triển khai trên toàn thành phố với mức độ 4 trong lĩnh vực thu nộp BHXH.
Thực tế đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT trong công tác BHXH, nhiều địa phương cũng khẳng định, lợi ích đầu tiên là người dân và tổ chức được hưởng lợi. Tất cả các thông tin như về hồ sơ đến cơ quan BHXH, qua đường giấy hoặc qua đường điện tử luân chuyển qua các bộ phận để giải quyết và đến khi nhận được kết quả, tất cả đều được công khai, minh bạch và có sự kiểm tra giám sát. Từ đó tỷ lệ hồ sơ chậm muộn được hạn chế tối đa và người dân rất hài lòng. Đối với cán bộ BHXH, dựa vào dữ liệu trên hệ thống, quá trình giải quyết đã nhanh hơn, kịp thời hơn cho người dân, tổ chức.
Hướng tới thanh toán điện tử
Theo xếp hạng “Mức độ sẵn sàng về ứng dụng CNTT” của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ hai, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Theo đánh giá của WB trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018. Đây là những thước đo ghi nhận nỗ lực của BHXH trong thời gian qua.
Từ những thành quả đã đạt được, ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin BHXH Việt Nam cho biết, năm 2019, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thiết thực hơn đối với người dân và DN. Tạo cầu nối giữa người dân và DN để đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như làm cho ứng dụng CNTT thực sự mang lại hiệu quả, mang lại giá trị đối với người dân và doanh nghiệp.
“Trước mắt, dự kiến ngay đầu năm 2019, ngành BHXH sẽ đưa vào hoạt động một số dịch vụ CNTT mới như hệ thống tin nhắn. Theo đó, thay vì người dân phải tra cứu trên mạng hoặc nhận thẻ giấy, sắp tới các thông tin sẽ được nhắn trực tiếp đến người dân như thông báo nhắc nợ, thông báo thông tin về thẻ, thông báo về quá trình tham gia… Bên cạnh đó, ngành BHXH sẽ xây dựng ứng dụng trên di động để người dân có thể thông qua ứng dựng đó tra cứu tất cả quá trình đóng - hưởng của mình liên quan”- ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, hiện tại giao dịch điện tử mang lại rất nhiều hiệu quả thiết thực đối với DN, người dân, vì vậy, sắp tới, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện thanh toán điện tử, nghĩa là thực hiện dịch vụ công mức 4 theo cấp độ của Bộ Thông tin - Tuyền thông. Điều này cho phép giao dịch có thể thanh toán hoàn toàn trên mạng Internet. Đây là một trong những mục tiêu ngắn hạn trong thời gian tới ngành hướng đến.
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH đề cập đến nhiều nội dung như cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đơn giản hóa quy trình và thủ tục đóng hưởng BHXH cung cấp dịch vụ công điện tử mức 4 và đạt 100%, đa dạng hóa, nâng cao hình thức cung cấp BHXH Việt Nam thân thiện hơn, gần gũi hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn, lấy người dân, lấy đơn vị sử dụng lao động làm trung tâm để cải cách thủ tục hành chính. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 28, ngành BHXH đã có kế hoạch hành động cụ thể, triển khai từng giai đoạn, xác định CNTT phải đi đôi với cải cách thủ tục hành chính.
“Do vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cao tuyên truyền của BHXH về cải cách thủ tục hành chính về bảo hiểm, về các ứng dụng CNTT của bảo hiểm để sát đời sống của người dân; tiếp tục ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý. Chúng ta nói nhiều đến việc ứng dụng như thế nào, tuy nhiên, muốn ứng dụng thế nào vẫn phải lấy người dân và DN làm trung tâm để người lao động, DN hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể là hưởng lợi về tiết kiệm thời gian giao dịch được thuận tiện nhất”- Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin BHXH Việt Nam nhấn mạnh.