Mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc với người lao động từ 1/1/2019
Mức tiền lương được dùng để doanh nghiệp tính đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc ở mức thấp nhất từ ngày 1/1/2019 sẽ được tính dựa trên “nền” tiền lương tối thiểu mới theo quy định.
Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019. Theo đó, mức lương nêu trên được trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm ít nhất 2 điều kiện: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Trên cơ sở này, mức tiền lương được dùng để doanh nghiệp tính đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc ở mức thấp nhất từ ngày 1/1/2019 sẽ được tính dựa trên “nền” tiền lương tối thiểu mới và Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của BHXH Việt Nam về quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.
Cụ thể với việc lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng từ 160.000 – 200.000 đồng theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP thì tiền lương tháng tính đóng BHXH bắt buộc tối thiểu kể từ ngày ngày 1/1/2019 sẽ là: 4.180.000 đồng với Vùng I (hiện tại là 3.980.000 đồng); 3.710.000 đồng với Vùng II (hiện tại là 3.530.000 đồng); 3.250.000 đồng với Vùng III (hiện tại là 3.090.000 đồng); 2.920.000 đồng với Vùng IV (hiện tại là 2.760.000 đồng).
Đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề thì tiền lương tối thiểu tính đóng BHXH sẽ cao hơn ít nhất 7% so với mức lương nêu trên.
Theo Nghị định từ 1/7/2019 tăng tiền lương tối đa để phải đóng BHXH bắt buộc. Việc điều chỉnh tăng này nhằm phù hợp với việc tăng lương cơ sở năm 2019 và Khoản 3 Điều 89 Luật BHXH 2014. Cụ thể, kể từ ngày 1/7/2019, tiền lương tháng tối đa đóng BHXH bắt buộc là 29.800.000 đồng (20 lần mức lương cơ sở mới theo Khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 70/2018/QH14 ); mức hiện hành là 27.800.000 đồng (20 lần mức lương cơ sở hiện hành).
Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, những lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề gồm: Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24/11/1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo; Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005…