Hòa giải, gỡ khó từ cơ sở
Công tác hòa giải ở cơ sở tại Hà Giang luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi Pháp lệnh về hoạt động hòa giải ở cơ sở được ban hành.
Tổ hòa giải thôn Tân Tiến, xã Phương Độ (TP.Hà Giang) hòa giải thành công một vụ tranh chấp đất đai.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang đã hướng dẫn, đưa Luật Hoà giải ở cơ sở vào tiêu chí thi đua năm 2018 đối với hệ thống MTTQ các huyện, thành phố; Hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp tổ chức rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải và hoà giải viên, Ban Công tác Mặt trận phối hợp chặt chẽ với tổ trưởng tổ hoà giải.
Ông Ly Mí Lử - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang cho biết: Năm 2018, MTTQ các cấp của tỉnh Hà Giang tiếp tục duy trì 1.204 tổ hoà giải với 8.393 thành viên, các tổ chức hoà giải đã tham gia hoà giải 189 vụ, trong đó hoà giải thành công 172 vụ. Nội dung chủ yếu là mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, gia đình, dòng tộc, hôn nhân gia đình, tranh chấp nguồn nước...
Trong đó, phổ biến là hoà giải vấn đề tranh chấp đất đai. Cụ thể ở các thôn, bản vẫn còn tình trạng tranh chấp bờ ruộng, tường rào, cho vay, mượn đất không có giấy tờ... điều này cho thấy, người dân còn thiếu hiểu biết về các chính sách, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Do đó, cùng với công tác hoà giải, Mặt trận tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, duy trì 6 nhóm nòng cốt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và 47 câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật tại các xã phường, thị trấn nhằm trang bị kiến thức cho người dân với mục đích gỡ các vấn đề khó, vấn đề người dân bức xúc ngay từ cơ sở.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác hoà giải cơ sở hiện nay, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang Nguyễn Duy Sụn nêu thực tế: Trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương củng cố, kiện toàn hoạt động hoà giải cơ sở. Thi hành Luật Hoà giải cơ sở. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hoà giải viên. Tổ chức các cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” để họ có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải cơ sở.
Công tác hoà giải còn một số vướng mắc khó khăn về kinh phí để tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải, kiến thức pháp luật một số hoà giải viên ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa cao, còn lúng túng trong việc vận dụng pháp luật. Phần lớn các xã, phường, thị trấn chưa bố trí kinh phí cho công tác hoà giải cơ sở....
“Để đảm bảo công tác hoà giải ở cơ sở được thực hiện hiệu quả hơn, bên cạnh việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các hoà giải viên, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân. Chế độ chính sách cho các hoà giải viên cũng cần được cải thiện để họ yên tâm làm việc, góp phần mang lại bình yên cho xóm làng và củng cố khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư” - ông Nguyễn Duy Sụn đề nghị.
Với vai trò của Mặt trận, ông Ly Mí Lử khẳng định: công tác hòa giải đã góp phần quan trọng bảo vệ trật tự, tăng tình đoàn kết xóm làng, thôn bản, khu phố, hàn gắn những rạn nứt trong cuộc sống gia đình, hạn chế những việc kiện cáo không đáng có.