'Kịch bản' nào cho bất động sản Việt Nam năm 2019?
Chiều ngày 23/12, tại Quần thể khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn (TP Sầm Sơn – Thanh Hóa) đã diễn ra Hội thảo: "Kịch bản bất động sản Việt Nam 2019, nhìn từ những xung lực mới". Đông đảo các chuyên gia kinh tế và khách mời đã về tham dự.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Hội thảo đã nhìn lại toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2018, và dự báo các kịch bản cho thị trường trong năm 2019. Các vấn đề về quy hoạch, chính sách, cơ chế cho thị trường sẽ là một trong những chủ đề thảo luận chính. Đồng thời, các phân khúc khác nhau trên thị trường như đất nền, chung cư, bất động sản cho thuê, bất động sản nghỉ dưỡng... sẽ được phân tích và dự báo chi tiết xu thế trong năm tới.
Tại buổi hội thảo, một hoạt động nổi bật khác là việc điểm lại những sự kiện/vấn đề nổi bật nhất trên thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018, với sự bình chọn của các diễn giả cùng các khách mời tham dự.
Có thể thấy, trong năm 2018, thị trường bất động sản của cả nước đi vào ổn định hơn, chất lượng hơn, lành mạnh hơn, cá biệt hóa cũng tốt hơn. Về phía các chủ đầu tư đã thích nghi, ứng biến nhanh với thị trường, có nhiều điều chỉnh về sản phẩm. Chính phủ đã rất quan tâm câu chuyện quản lý chung cư. Hướng tới phát triển đô thị thông minh. Và đây là những dấu hiệu tốt về mặt chính sách.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng: Năm 2018 Việt Nam kiểm soát được thị trường bất động sản, vốn, dòng đầu tư rõ hơn, có giá trị khuyến khích đầu tư tăng vốn vào thị trường và làm thay đổi cơ cấu đầu tư sản phẩm trên thị trường. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư vào bất động sản vẫn tăng trưởng cao, khoảng 85.000 tỷ đồng. Thứ 2 là cho vay tiêu dùng vẫn cao chiếm khoảng 68.000 tỷ đồng. Thứ 3 đầu tư đất nền dư nợ tín dụng gần 42.000 tỷ đồng.
Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng như khách mời đều đồng ý với quan điểm: Bất động sản sẽ là điểm sáng điểm hướng khởi trong 2019, vẫn là kênh đầu tư có thể hiệu quả dòng vốn, tiền tệ, vẫn cẩn trọng và chặt chẽ từ giám sát đến thống kê, cho đến ổn định kt vĩ mô. Tuy nhiên, có thể cuối năm 2019, tình hình kinh tế suy giảm mạnh, chính sách của chúng ta phải chuẩn bị nhiều. Nhưng dù đầu tư vào đâu, bất động sản cần ổn định kinh tế vĩ mô, hạ tầng, chính sách dành cho bất động sản, thông tin cần được minh bạch đến nhà đầu tư.