Cẩn trọng với ngộ độc rượu
Thống kê sơ bộ của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, trong 11 tháng vừa qua, cả nước có 91 vụ ngộ độc khiến hơn 2.700 người phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Phần lớn số người chết kể trên là do ngộ độc rượu.
Cụ thể, một số vụ nghiêm trọng đã xảy ra như: vụ 3 người chết tại Nghệ An do uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại (tháng 3/2018); vụ 4 người chết tại Quảng Nam sau khi uống rượu từ lò tự nấu (tháng 3/2018); tháng 9/2018 tại Nghệ An tiếp tục có 1 ca tử vong vì uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại… rất nhiều nạn nhân khác đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng do rượu gây ra.
Đáng chú ý, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất (lượng rượu bia quy đổi) trong một năm. Con số tương ứng ở Mông Cổ là 7,4 lít; Trung Quốc 7,2 lít; Campuchia 6,7 lít; Philippines 6,6 lít và Singapore là 2 lít. Chỉ tính trong năm 2016, việc lạm dụng rượu, bia ở nước ta dẫn tới 79.000 ca tử vong...
Theo thông tin mới đây từ Cục An toàn thực phẩm về việc bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019, vấn đề phòng ngừa ngộ độc rượu được đặc biệt cảnh báo do những nguy cơ khôn lường từ việc mua và sử dụng rượu không đúng cách. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Người tiêu dùng không được uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; Không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia. Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh không đảm bảo an toàn. Đồng thời, nói “không” với sản phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…
Để bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết cổ truyền sắp tới Cục An toàn thực phẩm cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã sớm Ban hành Kế hoạch số 1350/KH-BCĐTWVSATTP về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019. Để đạt các mục tiêu này, Bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn trên cả nước, thanh kiểm tra từ ngày 1/1/2019 đến hết 25/3/2019. Đồng thời, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.