Việt Nam cần có bảng xếp hạng đại học
Cuối tuần qua, lần đầu tiên một hội thảo có thu phí nhưng thu hút khá nhiều chuyên gia, các nhà quản lý tham gia bàn về những vấn đề nóng của giáo dục đại học Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia nêu kiến nghị Việt Nam cần phải có bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Đó là hội thảo với chủ đề “Đo lường khoa học và xếp hạng đại học” do Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) tổ chức ngày 22/12 tại TPHCM. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các ĐH, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia nghiên cứu giáo dục đến từ nhiều trường đại học trong cả nước.
Tại hội thảo, báo cáo của GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales - Australia) về những thước đo để đánh giá nhà khoa học và các ĐH đã gây sự chú ý của nhiều đại biểu. Theo GS Tuấn, việc đánh giá uy tín của nhà khoa học là một vấn đề khá nóng trong khoa học và báo chí phổ thông. Báo chí phổ thông thường chỉ dựa vào những thông tin mang tính “P.R” hơn các thước đo khách quan. Ở các ĐH phương Tây, người ta thường dùng 3 chỉ số chính để đánh giá năng lực một nhà khoa học, đó là: số lượng ấn phẩm khoa học; hệ số ảnh hưởng (impact factor hay thường viết tắc là IF); chỉ số Hirsch (viết tắt là H index). Một số lớn trường ĐH phương Tây thường dựa vào số lượng bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn để xét duyệt đề bạt các chức danh khoa bảng. Trong khi các viện nghiên cứu khoa học, trường ĐH, các trang mạng chuyên về khoa học… thường dùng tổng chỉ số trích dẫn (H index) mà nhà khoa học được các nhà khoa học khác trích dẫn như một thước đo vàng “giai cấp” trong khoa học.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Chính- Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng thuộc ĐHQG TPHCM cho rằng, xếp loại, xếp hạng các cơ sở GDĐH đang trở thành xu thế mang tính toàn cầu, thu hút được sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục, giới học thuật và các bên liên quan khác trong xã hội. Động lực chủ yếu của xu thế này là yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH trong bối cảnh một thế giới cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng.
Hoạt động này mang đến nhiều lợi ích thiết thực khi cung cấp cho các bên liên quan những thông tin hữu ích để đánh giá chất lượng cũng như làm cơ sở cho việc cải tiến chất lượng của cơ sở GDĐH. Đến nay, trên thế giới đã có hơn 60 hệ thống xếp hạng cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh, học sinh và các doanh nghiệp, xã hội. TS Nguyễn Quốc Chính thẳng thắn: “Với bảng xếp hạng ARWU (Trung Quốc), THE (Hoa Kỳ) chúng ta không đủ năng lực nên tham gia vô ích. Do đó, hiện nay chúng ta chọn QS (của Anh) hướng cho cả thế giới và châu Á thì phù hợp nhất”.
Về bảng xếp hạng của quốc gia, GS Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị: “Phải đảm bảo được 4 mục tiêu: khẳng định được uy tín của các trường ĐH Việt Nam, tăng tính toàn cầu hóa, nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo, nâng cao năng lực khoa học và công bố quốc tế của Việt Nam”.