Nỗi trăn trở giữa hai kỳ Đại hội
Còn nhớ Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua ngay trước thềm Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2014 – 2019 đã thổi một không khí phấn khởi cho đội ngũ những người làm công tác Mặt trận trong cả nước lúc đó. Cơ sở pháp lý về vai trò vị thế của Mặt trận là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân lần đầu tiên được hiến định tại Điều 9:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước...”.
Trước thềm Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024, lại nhớ về những chuyện trước thềm Đại hội lần trước – một Đại hội mà công tác Mặt trận các cấp được đặt ra theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015.
Chỉ vài tuần sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chúng tôi vẫn còn nhớ như in niềm phấn khởi của các cán bộ Mặt trận lúc đó. Bên hành lang Quốc hội, nguyên Đại biểu Lê Văn Lai lúc đó đang là Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam bằng kinh nghiệm nhiều năm làm công tác Mặt trận ở địa phương đã thốt lên cùng phóng viên: Vậy là Mặt trận đã có đủ “cây gậy” để làm cho ra vị thế!
Hiến pháp 2013 đã trở thành tiền đề quan trọng để đến năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) cũng được Quốc hội khóa XIII bấm nút thông qua. Luật Mặt trận 2015, theo đánh giá của nhiều người, tiến bộ lớn nhất là thể chế hóa được cương lĩnh chính trị của Đảng và Hiến pháp 2013 vào Luật Mặt trận. Trong đó nổi bật nhất là nâng tầm vóc Mặt trận lên vị thế mới – một câu nói vốn đã trở thành khát khao của nhiều thế hệ cán bộ Mặt trận – mà lần này đã được đưa vào luật, trở thành cơ sở pháp lý khi Luật Mặt trận 2015, thừa nhận một số chức năng nhiệm vụ và vai trò Mặt trận trong hệ thống chính trị. Một bước tiến rõ rệt, thể chế khá rõ là vai trò giám sát – phản biện xã hội.
Đã từng có những đánh giá về một sự thay đổi “cơ bản và toàn diện” của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, không phải chỉ về mặt số lượng, mà bởi vì ở đó, có những điểm rất mới. Những quyền và trách nhiệm cơ bản của Mặt trận theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 như vai trò đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội, việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng chính quyền đã được cụ thể hóa trong Luật và có cơ chế để thực hiện... Về tổ chức của Mặt trận đã có một số điều định danh các thiết chế trong hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; làm rõ được các mối quan hệ giữa Mặt trận với Đảng, Mặt trận với Nhà nước, Mặt trận với các tổ chức thành viên và các tổ chức chưa phải là thành viên; đặc biệt là quan hệ giữa Mặt trận với Nhân dân…
Chúng tôi vẫn còn nhớ câu trả lời phỏng vấn của ông Lê Văn Lai tràn trề tâm huyết và kỳ vọng như thế này: “Chúng ta luôn nói đổi mới công tác Mặt trận nhưng đổi mới quan trọng nhất là phải tạo chuyển biến nhận thức. Làm sao để Mặt trận đứng trong hệ thống chính trị với đầy đủ tư thế cần có. Muốn vậy, bản thân từng cán bộ Mặt trận, từng cấp Mặt trận phải khẳng định được tiếng nói, vị thế của mình. Phải làm cho cấp ủy địa phương, chính quyền địa phương thừa nhận Mặt trận là một thành tố quan trọng thực sự. Mặt trận vận động nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Muốn thế, con người ấy, tổ chức ấy phải thực thụ là tổ chức được tôn trọng và có đầy đủ các điều kiện hoạt động”.
Còn nhớ khi dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII được đưa ra, nhiều nhân sỹ, trí thức đã tham gia đóng góp ý kiến sôi nổi. Trong đó nổi lên vẫn là những kỳ vọng thiết tha về việc Mặt trận phải nói được tiếng nói của nhân dân. Nếu để vẫn còn những vấn đề nhân dân bức xúc như tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai, ô nhiễm môi trường và nhiều chính sách không sát thực với cuộc sống của nhân dân; nếu để vẫn còn nhiều vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài diễn ra… thì một phần là do Mặt trận các cấp, nhất là ở cơ sở chưa thực sự đối thoại với người dân, chưa gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của nhân dân…
Luật sư Lê Đức Tiết khi đó đã tâm sự: Muốn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân thì Mặt trận phải chủ động đổi mới công tác tiếp dân, chủ động tiếp xúc với dân, không ngồi đợi dân đến. Đây là khâu đầu tiên của quy trình hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân. Cán bộ Mặt trận phải chủ động thâm nhập, tiếp xúc nhiều hơn nữa với nhân dân để phát hiện, tìm hiểu nguyên nhân và thực trạng nguyện vọng, bức xúc của dân để có kế hoạch giải quyết ngay từ đầu, không để biến thành điểm nóng. Ông Lê Đức Tiết thẳng thắn chỉ ra: "Kinh nghiệm cho thấy, khi có sự đối thoại trực tiếp, chân thành của người lãnh đạo Đảng, người đứng đầu chính quyền, Mặt trận với dân thì các vụ khiếu kiện nhanh chóng được giải quyết. Khiếu kiện do vậy được giảm đi”.
Trước thềm Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Namlần thứ VIII, đã có nhiều ý kiến cho rằng vai trò tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần Hiến pháp 2013 cần được đặt lên hàng đầu. Bởi vì bộ máy, cán bộ, viên chức Nhà nước trong sạch vững mạnh đã là hạnh phúc lớn đối với nhân dân rồi. Đảng và chính quyền có mạnh thì quyền làm chủ của nhân dân mới có thể tồn tại và phát triển. Đảng viên, cán bộ viên chức tận tâm với công vụ, trong sạch, vững mạnh mới có sức thu hút, tập hợp được lòng dân trăm họ quy vào một mối… Bây giờ ngẫm lại, thực tế công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ và quyết liệt thời gian gần đây đã chứng minh mong muốn đặt ra trước thềm Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hoàn toàn chính đáng.
Hướng tới Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giai đoạn 2019-2024, có lẽ một lần nữa việc đổi mới và nâng tầm công tác Mặt trận theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Mặt trận 2015 vẫn là vấn đề quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm mà đại hội của các cấp phải đặt ra, cụ thể hoá trong các chương trình hành động. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền… vẫn tiếp tục là trách nhiệm khó khăn của Mặt trận. Vẫn còn nguyên trách nhiệm của Mặt trận trước Nhân dân, mà chỉ có đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới trong tư duy và nhận thức về trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận mới có thể đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.