Đánh giá ai thì phải có trách nhiệm
Hôm nay 25/12, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ chính thức khai mạc. Tại Hội nghị lần này Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Nhiều ý kiến đã bày tỏ kỳ vọng và niềm tin vào sự sáng suốt của Hội nghị thông qua những lá phiếu.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Hội nghị lần này là một bước chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng. Mỗi hội nghị Trung ương là một đợt sinh hoạt Đảng hết sức cần thiết theo quy định của điều lệ Đảng, quy định của tổ chức Đảng. Hội nghị này là một bước để tiếp tục quá trình xây dựng chỉnh đốn Đảng và bàn thảo trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo đất nước.
“Do đó cá nhân tôi hy vọng và đặt niềm tin vào Hội nghị này và mong các đồng chí Ủy viên Trung ương phát huy hết vai trò trách nhiệm, sứ mệnh của mình để sáng suốt quyết định những vấn đề mà Bộ Chính trị và đất nước đặt ra hiện nay”-ông Hùng cho biết.
Về việc tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, theo ông Hùng, việc lấy phiếu tín nhiệm chúng ta đã từng làm và có kinh nghiệm. Đây cũng là đợt sinh hoạt tốt để đề cao trách nhiệm của các đồng chí có chức vụ trong Trung ương, nhưng đồng thời cũng đề cao trách nhiệm của những người bỏ phiếu.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, lần này ngoài lấy phiếu tín nhiệm, Trung ương còn xem xét quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mà các bộ ngành địa phương gửi lên. Qua hơn 30 năm đổi mới vừa qua cho chúng ta nhiều bài học thành công và chưa thành công từ chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, an ninh quốc phòng, đặc biệt trong công tác cán bộ. Khi có chủ trương đúng, đường lối đúng thì cán bộ có vai trò quyết định. Chính đội ngũ cán bộ trong thời gian qua đã tạo nên thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử mà Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định, nhưng đồng thời cũng cho thấy mặt hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ.
Chỉ rõ chưa bao giờ đội ngũ cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự nhiều như giai đoạn hiện nay, ông Túc đặt niềm tin và kỳ vọng Hội nghị lần thứ 9 bàn về quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải xử lý nghiêm những ai có biểu hiện tham ô và dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người như thế.
Cũng theo ông Túc, khi lấy phiếu tín nhiệm phải nói rõ ràng, trong khi lấy phiếu cần chú ý đến phẩm chất quan trọng đó là thanh bạch, trong sáng về kinh tế. Những đồng chí có nghi vấn về kinh tế mà dân đã từng phát hiện thì cần xem xét “tới nơi tới chốn trước” khi bấm nút bỏ phiếu tín nhiệm. Qua đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiểu thêm các đồng chí Trung ương và thông qua đó phải sàng lọc và khách quan, tránh oan sai cho những người cố gắng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay, mà có tính chất răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính. Việc lấy phiếu tín nhiệm là nguồn thông tin để giúp cho cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ đánh giá cán bộ chính xác hơn, chân thực hơn.
Ông Hà cũng cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một kênh thông tin tham khảo, chứ không phải kênh thông tin duy nhất, vì Đảng có nhiều kênh thông tin về công tác cán bộ. Bản thân cán bộ tự kiểm điểm cũng là một kênh thông tin, cấp ủy cấp trên nhận xét, đánh giá; rồi dư luận xã hội, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.