Quy tắc sử dụng mạng xã hội: Không chỉ cho nhà báo, hội viên
Chiều 25/12, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo công bố “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” (Quy tắc).
Quy tắc sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2019. Theo quy định, không chỉ nhà báo được cấp thẻ, hội viên Hội Nhà báo mà cả những người tham gia vào việc sản xuất báo, người thử việc ở cơ quan báo chí cũng phải thực hiện quy tắc.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trả lời phỏng vấn báo chí.
Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều nhà báo đã đánh giá cao về những nội dung đã được đưa ra trong Quy định với nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 15 của quy định: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.
Đây là một vấn đề đang được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Bởi lẽ trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, thời kỳ của mạng xã hội và phổ biến là Facebook, ở diễn đàn tự do của hàng triệu con người, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan toàn diện hơn.
Nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Tuy có nhiều lợi ích, nhưng mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo, hội viên bị chi phối bởi áp lực tin, bài, áp lực thời gian, đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”.
Sau một năm thực hiện Luật Báo chí sửa đổi và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, bên cạnh những tích cực còn có những hạn chế, phát sinh những vấn đề mới cần phải điều chỉnh để xác định rõ hơn trách nhiệm của nhà báo với mạng xã hội.
Nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết thêm: “Trước khi ban hành Quy tắc, Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Ở cả ba khu vực, tọa đàm đều diễn ra sôi nổi, trao đổi làm rõ các vấn đề. Trên cơ sở Luật Báo chí, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, góp ý thẩm định của các chuyên gia, các nhà quản lý, tập thể Ban Thường vụ, BCH Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc gồm 3 chương, 7 điều, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019”.
Quy tắc do Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu ký quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo cần làm và 8 việc/điều người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội. Quy tắc cũng quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khi triển khai thực hiện. Đồng thời quy định trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc khen thưởng đối với những trường hợp thực hiện nghiêm túc.
Tại khoản 2 Điều 2 quy định đối tượng thực hiện Quy tắc gồm: “Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp Thẻ Nhà báo; người chưa được cấp Thẻ Nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí; người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung”.
Theo Quy tắc, khi tham gia mạng xã hội, người làm báo cần định hướng thông tin có ích cho xã hội, đất nước. Cần có những bình luận đúng mực, có văn hóa. Thông tin trên mạng xã hội có thể được khai thác nhưng phải kiểm chứng. Đáng lưu ý là người làm báo cần “Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân” (khoản 3 Điều 3).
Những việc/điều bị nghiêm cấm của Quy tắc như: Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác. Đăng tải các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác. Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội…
Người làm báo vi phạm Quy tắc, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trong các cơ quan, đơn vị. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam và quy định của pháp luật.
Với việc ban hành Quy tắc, Hội Nhà báo Việt Nam mong rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ uy tín người làm báo Việt Nam.