Chuẩn hóa các trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu
Thời gian qua, công tác kiểm dịch động vật trên địa bàn Quảng Ninh hoạt động khá hiệu quả, góp phần kiểm soát bệnh dịch, ngăn chặn, phòng ngừa các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm, các bệnh lây sang người.
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động, thực vật do tỉnh đầu tư đang hoàn thiện ISO và LASS nông nghiệp có nhiều máy móc hiện đại.
Toàn tỉnh có 3 trạm kiểm dịch động vật đặt tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và 2 cửa khẩu là Hoành Mô và Bắc Phong Sinh. Các trạm thực hiện công tác kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu là động vật, sản phẩm động vật tại các cửa khẩu và 12 điểm xuất hàng, lối mở dọc biên giới. Trong đó 2 trạm tại cửa khẩu Hoành Mô và Bắc Phong Sinh do UBND tỉnh thành lập, giao Sở NN&PTNT quản lý, vận hành; Trạm Kiểm dịch động vật Cửa khẩu quốc tế Móng Cái do Cục Thú y thành lập, giao Chi cục Kiểm dịch vùng quản lý, vận hành.
Do đặc thù có đường biên giới đất liền với Trung Quốc dài 118,8km, Quảng Ninh thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động cũng như lượng hàng hóa là động vật, sản phẩm động vật lưu thông ngày càng lớn, nguy cơ phát sinh và lây lan các loại bệnh dịch mới và nguy hiểm, điều này đòi hỏi các trạm kiểm dịch động vật phải được chuẩn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Theo quy định của Luật Thú y, ngoài các điều kiện cần thiết, các trạm kiểm dịch động vật phải có khu cách ly, nuôi nhốt động vật; triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán một số bệnh động vật, xét nghiệm tiêu chí an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện cả 3 trạm chưa có các hạng mục này, duy nhất tại TP Móng Cái có xây dựng khu cách ly với diện tích 3ha, tuy nhiên, hiện đang vận hành theo hướng đa mục đích.
Riêng việc lấy mẫu, xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh và vệ sinh an toàn thực phẩm, xét nghiệm xác định bệnh dịch, vốn là khâu quan trọng phục vụ kiểm dịch xuất, nhập khẩu, song từ trước tới nay đều không thực hiện được tại chỗ theo quy định, mà phải gửi mẫu về Trung ương hoặc Chi cục Thú y vùng II (Hải Phòng) để thực hiện. Vì vậy, việc kiểm dịch hiện nay của các trạm chủ yếu theo phương pháp cảm quan, như vậy về tính chất, hiệu quả và yêu cầu chuyên môn công tác kiểm dịch động vật cửa khẩu chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Trạm Kiểm dịch động vật Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đang sử dụng một số thiết bị xét nghiệm ban đầu do chương trình chống cúm gia cầm của Bộ NN&PTNT tài trợ.
Hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu không thể thiếu trong việc phòng chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh lây truyền qua biên giới vào địa bàn tỉnh. Vì vậy, những hạn chế của các trạm cần được khắc phục để đáp ứng nhu cầu thực tế và xu hướng phát triển chung.
Đến thời điểm hiện nay, Trạm kiểm dịch động vật Hoành Mô và Bắc Phong Sinh do đơn vị của tỉnh quản lý nên đã kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh, bước đầu cải thiện, đổi mới đáng kể trong công tác chuyên môn. Đơn vị cũng cung cấp thông tin và tham mưu giúp cơ quan quản lý cấp tỉnh có những chỉ đạo hợp lý trong công tác liên quan đến phòng chống dịch bệnh trên động vật trong thời gian qua. Bên cạnh đó, 2 trạm cũng tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương và đặc biệt Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương có biên giới, tỉnh trong công tác phòng chống buôn lậu, đảm bảo xử lý nhanh gọn các vụ việc vi phạm về động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động, thực vật do tỉnh đầu tư hiện đang hoàn thiện ISO và LASS nông nghiệp để đủ điều kiện được Bộ NN&PTNT công nhận đạt chuẩn và cho phép đi vào hoạt động từ đầu năm 2019. Tỉnh cũng đang nghiên cứu bố trí mặt bằng xây dựng khu cách ly, nuôi nhốt phục vụ công tác kiểm dịch của 2 trạm. Riêng đối với hoạt động của Trạm kiểm dịch động vật Móng Cái hiện có khó khăn hơn, công tác phối hợp với các đơn vị chức năng địa phương trong phòng chống dịch bệnh tại địa phương, phòng chống nhập lậu động, thực vật và sản phẩm động vật chưa được thể hiện rõ nét.
Để giải quyết vấn đề trên, theo các nhà quản lý nên tính đến phương án ủy quyền giao lại cho địa phương quản lý và vận hành theo đúng tinh thần phân quyền, phân cấp của Chính phủ, nhằm nâng cao sự chủ động, trách nhiệm của địa phương, vừa tinh giản bộ máy lại tránh chồng chéo.